Chính sách tín dụng trên địa bàn huyện An Lão – cách tay nối dài đảm bảo an sinh xã hội

25-07-2022 309

  ( Đài An Lão) Cách đây 20 năm, đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm tới trên 28%. Song đến nay tỷ lệ này đã giảm còn 3% theo tiêu chí mới, giảm 16.927 hộ nghèo so với năm 2002. Kết quả này có được, có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động tín dụng chính sách (TDCS) xã hội trên địa bàn huyện kể từ khi triển khai thực hiện Nghị định số 78 của CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Để chuyển tải vốn TDCS đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo, NHCSXH đã thực hiện phương thức quản lý TDCS thông qua việc ủy thác cho 4 tổ chức chính trị xã hội. Các tổ chức CT-XH đã thực sự coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của công tác Hội. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi; tích cực vận động việc thành lập Tổ TK&VV, thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra giám sát hoạt động của Tổ TK&VV. Phối hợp kiểm tra và lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro. Phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội đã tạo sự minh bạch, chính xác cho công tác xác định đối tượng thụ hưởng chính sách, hạn chế phát sinh các tiêu cực. Hoạt động nhận ủy thác từ NHCSXH đã tạo điều kiện giúp NHCSXH huyện tổ chức được mạng lưới hoạt động rộng khắp đến tất các các xã, thôn xóm trong toàn huyện.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của NHCSXH cấp trên, từ năm 2005, PGD huyện đã mở 17 Điểm giao dịch tại các xã, thị trấn. Các hoạt động cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm…đều được thực hiện tại Điểm giao dịch xã vào ngày giao dịch cố định trong tháng. Công tác giao dịch được thực hiện nghiêm túc; đội ngũ nhân viên tận tình, qua 20 năm đã phục vụ nhu cầu giao dịch cho gần 133.000 lượt khách hàng, chiếm trên 96% tổng giao dịch của NHCSXH. Nhờ có điểm giao dịch xã đã tiết giảm đáng kể chi phí đi lại cho bà con nhân dân, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm tín dụng, dịch vụ tài chính ngân hàng.

Kết nối giữa người dân và NHCSXH, UBND cấp xã và tổ chức CT-XH trên địa bàn huyện đã đứng ra thành lập Tổ TK&VV để giúp các hộ vay thực hiện các thủ tục vay vốn một cách nhanh nhất, tiết kiệm nhất. Hiện nay toàn huyện có 256 tổ TK&VV. Phòng giao dịch NHCSXH huyện thường xuyên phối hợp với UBND các xã thị trấn, tổ chức hội nhận ủy thác thực hiện phương án củng cố kiện toàn và nâng cao chất lượng tổ. Kịp thời thay thế các tổ trung bình, yếu kém, hoạt động không hiệu quả; quan tâm tới công tác tập huấn nghiệp vụ cho Ban quản lý Tổ. Hiện 100% Tổ được xếp loại tốt, khá không có tổ trung bình, yếu kém.

Cũng trong 20 năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện tổ chức tốt việc tiếp nhận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH cấp trên, từ Ngân sách địa phương; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tính đến 30/6/2022 tổng nguồn vốn tại ngân hàng đạt 510.960 triệu đồng, tăng 23,3 lần so với năm 2003. Trong đó nguồn vốn trung ương chuyển về là 378.994 triệu đồng, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 112.311 triệu đồng, nguồn vốn ủy thác tại địa phương là 19.655 triệu đồng. NHCSXH huyện đã thực hiện ủy thác 11/19 chương trình tín dụng, với dư nợ ủy thác: 388.324 triệu tăng 23,2 lần. Trong đó Hội nông dân: dư nợ: 130.495 triệu/4.507 hộ vay, Hội phụ nữ: dư nợ: 131.898 triệu/4.619 hộ vay, Hội cựu chiến binh: dư nợ: 74,995 triệu/2,720 hộ vay, Đoàn thanh niên: dư nợ: 50,936 triệu/1,829 hộ vay.

Gia đình chị Nguyễn Thị Yến thôn Câu Thượng xã Quang Hưng là một trong những hộ điển hình đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế với mô hình kinh tế VAC tổng hợp. Đến nay, tổng nguồn thu nhập của gia đình chị đạt trên 500 triệu đ/ năm. Chị Yến cho chia sẻ: Trước kia khi chưa biết tới nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện nên không có vốn, gia đình chị định mở rộng quy mô chuồng trại phát triển SX cũng khó, song từ năm 2012, được hội phụ nữ giới thiệu và hướng dẫn vay vốn NHCSXH huyện nên có vốn, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư mở rộng chăn nuôi, kết hợp với tận dụng diện tích đất bãi chuyển đổi từ trồng cây sang khai thác rươi và bắt cáy đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Mô hình phát triển chăn nuôi của gia đình chị Nguyễn Thị Yến ( xã Quang Hưng)

Theo số liệu thống kê, trong 20 năm qua, từ nguồn vốn TDCS của NHCSXH huyện đã giúp cho 53.673 lượt khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Trong đó: hỗ trợ  trên 25.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển kinh tế; 2.099 số lao động được thu hút, tạo việc làm mới; 3.935 em HSSV được vay vốn để học tập; 1.033 hộ nghèo được xây mới nhà ở; 19.840 công trình nước sạch và vệ sinh được xây mới, sửa chữa và cải tạo; 552 người thu nhập thấp xây mới nhà ở, 14 em học sinh được vay tiền mua máy tính, 1 doanh nghiệp được vay vốn để trả lương ngừng việc,  7 cơ sở mầm non tư thục vay vốn theo Nghị Quyết 11 của chính phủ.

        NHCSXH huyện giải ngân cho vay đối với cơ sở giáo dục MN bị ảnh hưởng dịch covid 19

  Những thành quả đạt được đã mang đến một bức tranh đầy màu sắc trong hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện trong suốt 20 năm qua, thể hiện TDCS ngày càng đóng vai trò quan trọng, đầu tàu tiên phong trong công tác xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, góp phần để huyện hoàn thành mục tiêu giảm nghèo. Đây là nền tảng, động lực để những người làm TDCS tiếp tục củng cố và phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được, xây dựng hệ thống ngày càng gắn bó mật thiết với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển đi lên của quê hương đất nước./.

Vũ Bé

 


Ý kiến bạn đọc (0)