Di tích - danh thắng Núi Voi những giá trị lịch sử văn hoá dân gian độc đáo

30-12-2013 28816

Cách trung tâm thành phố Hải Phòng không xa khoảng 20Km về phía tây nam. Núi Voi huyện An Lão từ lâu được biết đến không chỉ là khu di tích danh thắng nổi tiếng ẩn chứa bên trong nhiều giá trị văn hoá lịch sử, kho cổ học  của vùng đồng bằng Duyên hải Bắc bộ mà còn là nơi gìn giữ, phát huy  những giá trị văn hoá dân gian độc đáo của người dân vùng biển.

Núi Voi là một quần thể danh thắng thơ mộng giữa miền đồng bằng phì nhiêu. Dáng tựa như hòn non bộ khổng lồ với những hang sâu, động lớn, hồ trong như; động Họng Voi, hang Già Vị, hang Chiêng, hang Trống, hang cá chép… còn lưu giữ đầy vẻ hoang sơ, huyền bí. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu lịch sử  và các tài liệu khảo cổ thì Núi Voi là một trong những di chỉ khảo cổ học lớn thuộc nền văn hoá Đông Sơn thời các vua Hùng dựng nước, ẩn chứa nhiều dấu ấn lịch sử về thời kỳ đồ đá, đồ đồng… Những công cụ lao động của người cổ được tìm thấy ở đây như rìu đá, bôn đá, quả cân đá, bàn mài đá, giáo đồng dao găm đồng … về giá trị khảo cổ đây là những hiện vật cực quý, minh chứng cho vùng đất có chiều sâu, bề dày lịch sử văn hoá cùng với những truyền thuyết bí ẩn và hấp dẫn. Núi Voi hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Núi Voi xưa gắn liền với những bước lịch sử thăng trầm của dân tộc như dấu tích sông Đào, hồ nhà Mạc, đấu đong quân, Vàm chúa Thượng, Vàm chúa Hạ và những sự kiện đã đưa Núi Voi trở thành huyền thoại trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, với hình ảnh “ Những cô gái dân quân treo mình trên vách đá, lưng chừng trời bắn máy bay rơi” và  lời thề bất tử như khắc vào vách đá của đội du kích Núi Voi;

“ Đứng trên đỉnh núi ta thề

Không giết được giặc không về núi Voi”

Trong những ngày bom đạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến cống giặc Mỹ xâm lược, tháng 4 năm 1968  Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 2 được tổ chức tại đây thông qua nghị quyết, động viên nhân dân thành phố quyết tâm đánh bại âm mưu chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Núi Voi ngày nay còn đó những địa chỉ đỏ như hang Thành uỷ, hang Huyện uỷ, hang Già Vị, trận địa súng phòng không,…vầ truyền thống du kích Núi Voi mãi mãi là niềm tự hào của người dân An Lão và thành phố Hải Phòng.

Núi Voi cũng được biết đến và nổi tiếng với những công trình văn hoá, kiến trúc cổ như; chùa Long Hoa, được xây dựng vào thế kỷ XI thời Lý theo đánh giá của các nhà nghiên cứu sử học thì chùa Long Hoa là trung tâm phật giáo lớn ra đời từ rất sớm của quốc gia Đại Việt thời độc lập tự chủ.

 Nằm trong hệ thống di tích của Núi Voi cùng với di tích đình, chùa Chi Lai một công trình kiến trúc gỗ cổ độc đáo. Đền thờ Nữ tướng Lê Chân có giá trị tín ngưỡng sâu sắc, đền thờ vị tướng thời Hai Bà Trưng người đã có công tạo dựng lên vùng đất An Biên Trang tức Hải Phòng ngày nay. Không chỉ chứa đựng một kho tàng các giá trị văn hoá lịch sử quý báu, Núi Voi còn là vùng đất sản sinh nhiều danh tài mặc sĩ được lịch sử ghi nhận và đánh giá cao như Đại học sĩ Bùi Mộng Hoa, Trạng nguyên Trần Tất Văn, Tiến sĩ nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn … 

Nhiều nét văn hoá độc đáo ở đây vẫn được lưu giữ và phát triển tiêu biểu là Lễ hội Núi Voi được tổ chức hằng năm vào dịp Rằm tháng giêng, đây dịp để người dân tôn vinh và tưởng nhớ các vị anh hùng của dân tộc, các thế hệ  người An Lão đã chiến đấu xây dựng lên vùng đất này. Cùng với những dấu ấn lịch văn hoá, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và những câu chuyện đi vào truyền thuyết, những hoạt động văn hoá dân gian độc đáo tại lễ hội như  tế lễ, đền thờ Lê Chân, đình chùa Chi Lai. Biểu diễn nghệ thuật chèo truyền thống, các trò chơi dân gian… mà ở đó quần chúng nhân dân là chủ thể tham gia vào các hoạt động. Những yếu tố đó tạo nên một không gian lễ hội đặc trưng đa sắc màu.

Không chỉ dừng lại ở hoạt động văn hoá, lễ hội Núi Voi là nơi hội tụ gìn giữ phát huy các giá trị văn hoá nghệ thuật dân gian, cổ vũ, động viên phát triển các hoạt động phong trào văn hoá, văn nghệ thể thao quần chúng. Ngay từ những ngày đầu xuân  mới khắp làng trên xóm dưới trong huyện đều sôi nổi, tưng bừng tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao để lựa chọn những chương trình, tiết mục đặc sắc, những diễn viên, vận động viên xuất sắc tham dự lễ hội. Có nhiều mô hình phong trào được khi dậy và phát triển từ những hoạt động này như  Vật ở Thái Sơn, Bóng chuyền ở Bát Trang, Hát chèo, Cải lương ở Tân Dân, Quang Trung… Chính sự hoà quyện giữa không gian thiên nhiên của danh thắng Núi Voi và những hoạt động mang đậm nét truyền thống tạo nên nét riêng hấp dẫn, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào các hoạt động của lễ hội.

Phát huy những giá trị lịch sử văn hoá, truyền thống, nét đẹp của quê hương là chuẩn bị tâm thế vững vàng  trên bước đường phát triển và hội nhập. Những năm qua huyện An Lão tích cực đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư khơi dậy, phát triển tiềm năng giá trị của khu di tích danh thắng Núi Voi đến nay đã hoàn thành một số hạng mục thuộc quy hoạch tổng thể, một số công trình cơ sở hạ tầng công trình văn hoá tâm linh như đường giao thông nội bộ, đường đến các điểm di tích và một số công trình tạo cảnh quan khác như trùng tu khu di tích Đình, chùa Chi Lai, Nhà bảo tàng. Đặc biệt là một số công trình văn hoá tâm linh như đền thờ Nữ tướng Lê Chân, Chùa Long Hoa…các công trình này đã và đang được tích cực triển khai hoàn thành; năm 2010 an vị tượng phật bằng đồng lớn nhất thành phố tại chùa Long Hoa; Khánh thành Đền thờ nữ tướng Lê Chân dịp khai hội Núi Voi năm 2011, đang khẩn trương hoàn thành công trình cải tạo, mở rộng hệ thống đường giao thông nội bộ.

Hy vọng với những giải pháp chủ động, tích cực của các cấp, các ngành cùng tiềm năng sẵn có. Núi Voi sẽ thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách và là nơi nuôi dưỡng, bảo tồn gìn giữ phát huy các giá trị văn hoá dân gian độc đáo của quê hương.

 Nguyễn Hải

Ý kiến bạn đọc (0)