Hội làng Kinh Điền- Nét đẹp văn hoá một vùng quê.

30-12-2013 4768

) Mùa xuân là mùa của lễ Hội - lễ Hội không chỉ mang sức sống của mùa xuân dân tộc mà ở đó còn khẳng định cội nguồn - ý thức tâm linh, đời sống văn hoá tinh thần của mỗi vùng quê. Về Tân Viên mảnh đất anh hùng trong những ngày này chúng tôi chứng kiến mảnh đất và con người Kinh Điền đã và đang rộn ràng náo nức chuẩn bị cho những ngày Hội làng truyền thống đầy ý nghĩa của mình.


Dấu ấn một vùng quê

Kinh Điền là một trong số 5 làng của xã Tân Viên. Mảnh đất này từ xa xưa khi còn hoang vu lau sậy, song màu mỡ của đất đai, tốt tươi của sự sống đã sớm níu gót bước chân bước đến đây sinh cơ lập nghiệp, kiến tạo cuộc sống. Các bậc hiền nhân chung lưng đấu cật, khai khiển đất hoang, lập ấp dựng làng. Đấu tranh với thiên nhiên, giặc giã tạo nên cộng đồng làng xã bền chặt đến ngày nay. Theo sử sách và lưu truyền để lại từ những năm 40 - 43 trước công nguyên, có người con gái khí phách phi thường, trí lớn, là bà Trần Thị Trinh một trong những tướng sỹ nổi danh của Hai Bà Trưng từ xa đến đây mến mộ vùng đất này, đã đến đây chiêu binh lập ấp nghĩa quân, mưu đồ khởi nghiệp đánh giặc, bảo vệ giang sơn xã tắc.Cũng tại đây bà Trần Thị Trinh đã sinh được người con trai ở khu ngã 5 cửa Hàm Long và đặt tên con là Ngũ Đạo Công. Khôi ngô, tuấn tú, tư chất thông minh, đầy nghĩa khí. Ngay từ nhỏ, Ngũ Đạo Công đã cùng mẹ và dân sinh trong làng, trong vùng cùng chung chí hướng đánh giặc bảo vệ non sông. Và cũng từ vùng đất Kinh Điền này, tướng quân Trần Thị Trinh - Ngô Đạo Công đã xuất phát lập công lấy núi non làm nơi luyện tập đánh giặc bảo vệ kho lương, vũ khí an toàn trong những trận giao chiến quyết liệt với quân thù. Tưởng nhớ công lao to lớn của bà Trần Thị Trinh và Ngũ Đạo Công ngay sau khi mất, dân làng Kinh Điền và quanh vùng đã lập đền thờ tại làng. Đi qua năm tháng, thời gian ngôi đền và tấm gương trung liệt bà Trần Thị Trinh - con trai Ngũ Đạo Công luôn là niềm kính trọng, tự hào của vùng quê nơi đây...

 

Trải qua các thời kỳ thăng trầm, biến thiên của lịch sử. Mảnh đất và con người Kinh Điền luôn nêu cao tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng kiên cường. Từ khi Đảng ta ra đời lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, người dân Kinh Điền một lòng một dạ đi theo Đảng. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công cùng cả nước bước vào các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, nhân dân Kinh Điền đã góp phần công sức to lớn vào sự nghiệp vĩ đại của đất nước. Tổng kết các cuộc kháng chiến Kinh Điền có 38 Liệt sĩ, 1 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 6 gia đình cơ sở cách mạng, 30 chiến sĩ bị địch bắt tù đầy. Hơn 500 người con của quê hương lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Và vẫn còn đây sự biểu hiện của những chiến tích: Một Kinh Điền vững vàng cùng Tân Viên trong chống càn chống Pháp. Một Kinh Điền đau thương và anh dũng dưới mưa bom, bão đạn trong trận thảm hoạ chống chiến tranh Phá Hoại của Đế quốc Mỹ ngày 3/1/1968. Một Kinh Điền đất và người vững bước đoàn kết đi lên trong thời kỳ đổi mới xây dựng làng quê, xây dựng làng văn hoá với sức lan toả của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư...

 

Hội làng văn hoá nơi đây


Vẫn còn lưu truỳen trong ký ức bao lớp người cao tuổi nơi đây. Từ xa xưa Kinh Điền đã là một làng  quê keo sơn gắn bó "Tối lửa tắt đèn" của các gia đình, dòng họ. Phù sa màu mỡ của dòng Văn úc, khí hậu trong lành, tốt tươi của hoa trái. Cuộc sống lao động siêng năng cần mẫn... Tất cả đã gieo mầm nảy hạt đắp xây nét đẹp văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc ở vùng quê này. Từ xưa làng đã có Chùa làng nơi thờ Phật, tín ngưỡng tâm linh của nhân dân. Ngôi đình cổ đã bị tiêu thổ trong kháng chiến. Đền thờ Kinh Điền được xây dựng từ lâu thể hiện "lòng tri ân tri nghĩa" với người anh hùng dân tộc có công với dân, với nước. Cũng từ thời phong kiến trước đây làng quê Kinh Điền luôn lấy vào ngày 8, 9, 10 tháng 2 Âm lịch là ngày Hội làng. Những ngày đó còn lưu lại ngày nay về nét đẹp văn hoá làng quê đầy sống động. Ngay từ năm 1993, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, song  "Một cây làm chẳng nên non...", dân làng đã chung lưng đấu cật "gom góp dựng cơ đồ", sức mạnh, sự đồng thuận của nhân dân và những tấm gương vàng của con dân cháu làng này từ xa gần, mọi nơi hợp lực lại phục chế, tạo dựng xây dựng lại Đền thờ của làng với tình cảm nghĩa cử sâu nặng của đạo lý "Uống nước nhớ nguồn". Đền thờ Kinh Điền được xây dựng toạ lạc nơi trong tâm làng theo kiến trúc cổ bề thế, trang nghiêm toạ lạc trong khuôn viên hơn 2.000m2. Hiện tại Đền vẫn còn lưu giữ 2 Pho tượng, 1 cỗ ngai, 8 sắc phong qua các thời Triều Tiền Lê - Hậu Lê. Năm 2001 đền thờ Kinh Điền đã vinh dự được UBND Thành phố công nhận di tích lịch sử văn hoá. Cụ Đào Quang Nhiên- Trưởng ban khánh tiết của làng cho biết: Hai mươi năm từ khi xây dựng đền, cụ là người tâm huyết gắn bó với di tích này, giá trị vật chất tồn tại xây dựng 20 năm qua cho ngôi đền có tới hơn 2 tỷ đồng. Các đồng chí lãnh đạo, cấp uỷ, chính quyền, MTTQ thôn còn thông tin: Đền Kinh Điền vẫn đang là địa chỉ đỏ của những tấm lòng người con quê hương về quê hương, nguồn cội bằng những việc làm sâu nặng nghĩa tình.

 

Trong ngọn gió của mùa xuân dân tộc. Làng quê Kinh Điền khoe sắc bức tranh thay da đổi thịt từng ngày. Cùng đồng lúa mướt xanh thời đẻ nhánh, thôi thúc mỗi người dân nơi đây hăng say lao động sản xuất "coi tấc đất như tấc vàng", thi đua làm giầu chính đáng. Ngõ xóm, đường làng, gương mặt người dân hồ hởi phấn khởi đón chờ ngày Hội làng đang cận kề đến gần. Lời ca tiếng hát, điệu múa vang xa đó đây đang lan toả. Mọi công việc chuẩn bị cho lễ hội vào các ngày 8, 9, 10 Tháng 2 Âm Lịch cứ tất bật, hoà đồng đổi với mỗi công dân, dòng họ. Tiếp nối những mùa lễ hội trước. Hội làng truyền thống Kinh Điền nơi hội tụ của tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương sâu sắc. Niềm tự hào về mảnh đất mến yêu của mình. Những phong tục tập quán tốt đẹp truyền thống văn hoá dân tộc của làng quê nơi đây lại được khơi dậy nhân lên như: dâng hương, tế, rước truyền thống; các hoạt độngphần hội vui tươi, lành mạnh như: Đu dây, đi cầu thùm, cờ tướng, chọi gà, kéo co, cầu lông. Biểu diễn văn hoá văn nghệ quần chúng... Thật có sức thu hút lan toả giữa làng quê hương. Hội làng văn hoá Kinh Điền, điểm giao lưu tiếp xúc gặp gỡ làm sống dậy đời sống văn hoá tinh thần. Mọi người con quê hương xích lại gần nhau hơn trong giao hoà tình cảm. Thể hiện tâm tư tình cảm, những dự định tốt đẹp bước vào một năm mới. Nâng bước, chắp cánh cho mỗi người dân làng quê nghị lực, hành trang mới trong công cuộc xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới.

 

Náo nức ngày hội làng truyền thống làng văn hoá Kinh Điền. Thêm một lần ghi nhận và khẳng định nét đẹp văn hoá trên quê hương xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân./.

Vũ Hợp 

Ý kiến bạn đọc (0)