( Đài An Lão) Hiện nay tình trạng các hộ dân nhất là hai bên đường tự ý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, dựng bạt, kê bàn ghế tổ chức các sự kiện đám hiếu diễn ra khá phổ biến, nhất là vào dịp cuối tuần. Tình trạng này gây mất trật tự ATGT, thậm chí đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn. Để đảm bảo TTATGT, UBND TP có văn bản chỉ đạo các quận huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền và sử phạt đối với các trường hợp vi phạm. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND Thành phố, ngày 13/10, UBND huyện ban hành công văn v/v tuyên truyền người dân không sử dụng mặt đường giao thông vào việc tổ chức các sự kiện hiếu, hỉ.
Trên địa bàn TP. Hải Phòng nói chung, huyện An Lão nói riêng có hiện tượng người dân sử dụng một phần lòng đường giao thông, vỉa hè để tổ chức các sự kiện như đám hiếu, đám hỷ. Việc lấn chiếm lòng, lề đường còn diễn ra khá phổ biến vào dịp cuối năm khi nhiều hộ dân tổ chức liên hoan tất niên. Khi sử dụng lòng đường, vỉa hè đã không dành khoảng cách tối thiểu cho phương tiện tham gia lưu thông, không thông báo cho chính quyền địa phương việc tạm sử dụng lòng đường, vỉa hè, không có biển cảnh báo an toàn giao thông. Được biết, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đã tuyên truyền, nhắc nhở nhưng nhiều gia đình lấy lý do nhà chật, không có tiền thuê nhà hàng tổ chức đám cưới, hay tổ chức lễ tang ở nhà tang lễ... nên "mượn tạm" vỉa hè, lòng đường gần nhà để tổ chức.
Ảnh minh họa
Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép. Muốn tổ chức các hoạt động khác trên đường phố như: hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ, cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng đường bộ phải được cơ quan quản lý có thẩm quyền thống nhất bằng văn bản về phương án bảo đảm giao thông trước khi xin phép tổ chức các hoạt động trên. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do UBND cấp tỉnh, TP quy định, nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Các trường hợp cá nhân, hộ gia đình có đám ma, đám cưới, chỉ được sử dụng tạm thời một phần hè phố theo quy định tại Điều 25a Nghị định 100/2013/NĐ-CP quy định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo đó, hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong trường hợp: tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ. Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ. Khi sử dụng một phần hè phố, hộ gia đình phải thông báo với UBND phường, xã sở tại trước khi sử dụng tạm thời một phần hè phố. Việc sử dụng một phần hè phố không vào mục đích giao thông, không được gây mất trật tự an toàn giao thông. Vị trí hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện như: phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5m. Hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời. “Việc dựng rạp phục vụ hiếu, hỉ của hộ gia đình dưới lòng đường, trên toàn bộ hè phố là hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Đây là hành vi vô cùng nguy hiểm cho người tham gia giao thông, bởi đa phần các rạp đều không có cảnh báo, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chỉ thiếu chú ý quan sát, không bảo đảm tốc độ, xử lý kịp thời là có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường”.
Việc tự ý dựng rạp phục vụ đám cưới, đám ma của hộ gia đình trên toàn bộ hè phố, dưới lòng đường là hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và sẽ bị xử phạt theo quy đinh của Nghị định 100/20919/NĐ-CP, cụ thể như sau: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ (điểm a khoản 5 Điều 12). Ngoài ra, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả buộc phải đỡ bỏ rạp dựng trái phép và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. “Thậm chí nếu để xảy ra tai nạn giao thông mà nguyên nhân xuất phát từ việc dựng rạp trái phép trên hè phố, lòng đường, tùy theo tính chất, mức độ của vụ việc, cá nhân thực hiện vi phạm có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội cản trở giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 261 Bộ Luật hình sự”.
Tại công văn ngày 13/10, UBND đã yêu cầu Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện, các xã thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân chấp hành tốt các quy định của luật giao thông đường bộ, nhất là không sử dụng mặt đường giao thông để tổ chức các sự kiện đảm hiếu, hỷ; Tăng cường vận động các hô kinh doanh bạt, rạp, bàn ghế không thực hiện cho thuê bạt, bàn ghế sử dụng tại các lòng đường. Kể từ ngày 1/11/2022, UBND sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng kết hợp với các địa phương tiến hành xử phạt các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm các quy định của pháp luật, nhất là sử dụng mặt đường dựng bạt tổ chức đám hiếu, hỉ hoặc các sự kiện khác./.
Vũ Bé