Đền Hang là nơi thờ Nữ tướng Lê Chân cùng với đền Nghè Hải Phòng, người đã có công cùng bà con trong vùng khai phá lập nên làng An Biên trong thời kỳ Đông Hán.
Bà xuất thân từ một gia đình nông dân có nghề dạy học làm thuốc ở động Triều, Quảng Ninh. Bố đẻ là ông Lê Đạo, mẹ là bà Trần Thị Châu. Cả nhà dốc lòng làm việc thiện. Năm 20 tuổi, bà đã có tài sắc vượt trội, nức tiếng khắp nơi. Lúc ấy Tô Định nghe thấy muốn cưỡng ép lấy bà, nhưng bà nhất định từ chối, Tô Định vô cùng tức giận, tìm cách giết hại cha của bà. Bà không thể đội trời chung với Tô Định. Bà lánh đến vùng Hải An ngày nay chiêu mộ binh sỹ cùng họ khai khẩn cấy trồng, dựng thành một ấp đặt tên là trang An Biên (Nội thành ngày nay). Lê Chân cũng chuẩn bị lực lượng khá sớm và ngày càng mở rộng địa bàn. Bà đã đến Núi Voi cho chiêu binh sỹ và luyện tập, tích trữ lương thảo, lợi dụng địa thế hiểm trở của núi rừng để che mắt giặc. Bà liên lạc và tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng được vua Trưng Trắc tin cậy, bà được giao Tổng quản binh quyền nội bộ, lo việc bố phòng vùng ven biển. Do có địa thế thành luỹ tốt, Núi Voi phát triển lực lượng nhanh trở thành căn cứ quan trọng của lực lượng trong vùng trước tài chỉ huy của Lê Chân. Cùng lúc này còn có nhiều người trong đó có bà Trần Thị Trinh và con trai Ngũ Đạo cũng đang tập hợp lực lượng nghĩa sĩ ở Đại Điền, Tổng Thượng Câu huyện An Lão, (cách Núi Voi 6km), nghe tin danh thế và Lê Chân đã liên hệ với căn cứ Núi voi phối hợp cùng là tướng của Trưng Trắc, Trưng Nhị. Trong tác phẩm “Những người không chết” của Vũ Huy Châu có bài Lê Chân (Thánh Mẫu Công Chúa) trong đó có đoạn:
“Thuộc Bắc thời Nam buổi khó khăn
An Biên nữ hiếm có Lê Chân
Thù cha, giận kẻ gây oan trái
Nhục nước xui ai chớ nợ nần
Giúp bạn câu hoa đôi Chúa Thánh
Nên tài lương Đấng một công thần”
Sách này cũng kể: cùng giúp bà Trưng có Nữ tướng Trần Thị Trinh (nêu trên), đền thờ bà Trinh và con trai Ngũ Đạo Đại Vương ở Đại Điền, xã Tân Viên, huyện An Lão ngày nay (trích trang 32,33 - Kỷ yếu Trung tâm văn hoá xã hội và nhân văn Hải Phòng). Đấy là sau khi Mã Viện sang, Hai bà Trưng tuẫn tiết vì nước. Lê Chân qua đời, nhân dân trong vùng đưa Bà vào phối thờ trong chùa Hang. Nên chùa Hang còn có tên gọi là Đền hang. Vì có công lớn, Lê Chân được vua Thành Thái phong sắc “Hoàng Bà long hội Đại vương trung đẳng thần”, ngôi đền thờ bà Lê Chân có điện Phật cùng phối thờ bà ở trong hang. Thạnh nhũ mềm vươn ra như rồng bay tú động. Hang nhỏ nhưng quả là lộng lẫy, uy nghi. Hai bên có động Nam Tào, Bắc Đẩu, núi Xẻ Đầu, dưới tán cây Đại thụ từ sườn non cao toả rợp bóng sớm chiều. Theo truyền ngôn phía trước hang có 3 gian ống muống và ngoài cùng là 5 gian tiền đường. Bên cạnh là gác chuông. Nhưng ngày nay, tôn tạo lại với qui mô nhỏ. lại chưa có gác chuông, không có ống muống. Qua khảo sát, tìm hiểu nhân dân trong vùng, đặc biệt là các cụ co niên trên 90 tuổi còn nhớ lại đền Hang trước cửa có 4 chữ lớn là “Thánh mẫu linh từ”. Trong đền Hang có nhiều đôi câu đối ngợi ca công đức và:
“Thời cổ lưu danh khí hương còn để lại
Vạn kim di tích truyền thống vẫn phụng thờ”
“Sống tướng mãnh chết thần thiêng anh linh dũng quyết
Diệt tham tàn trừ bạo nghiêng lừng lẫy uy danh”
Và: “Sinh trên thảo tặc an bang bảo tồn Tổ quốc
Hoả hậu trừ hai hán hoạn tế độ lê dân”
Đền Nghè (nội thành) và Đền Hang (ở Núi Voi) ngày trước thường mở hội vào 2 ngày mồng 6 và mồng 8 tháng 2 âm lịch.
Nhiều năm tác động, các cụ kể là có một số lần lễ hội Đầu Hang đã rước kiệu vàng xuống tận Kiến An.
Tuy thời gian “vật đổi sao dời” nhưng nơi thờ bà vẫn được gìn giữ. ở hai bên Nam Tào, Bắc Đẩu có những phiến đá kỳ lạ, khi gõ phát ra âm thanh như tiếng chuông, tiếng trống (nên gọi là hang Chuông, hang Trống). Không mấy ai không ngợi khen cảnh sắc nơi đây. Trời đất như xanh một dải, nghe thung xa gió đồng nội thổi về. Quả là:
“Đền Hang thấp thoáng bóng mây vờn
Nhũ mềm trải gió trước sườn non
Một thời mở đất trang linh kiệt
Con cháu muôn đời nguyện sắt son”
Đền Hang trở thành địa chỉ linh thiêng của mảnh đất địa linh nhân kiệt. Nhưng ngày xưa, nơi đây xóm vắng, núi xa. Chỉ có đến nhỏ khói nghi ngút sớm chiều và lặng lẽ những du khách tới rồi lại đi. Du khách đi rồi lòng còn bùi ngùi luyến tiếc. Theo các cụ truyền ngôn: có người còn để lại nỗi nhớ thương phút chia ly, tiễn bạn. Đền Hang với cái vẻ đẹp thơ mộng đã từng là địa chỉ của những cuộc chia tay lưu luyến dường như là khó quên, nói lên qua mấy câu thơ:
“Đền Hang đâu đó tới lui
Đường ra phía ấy mây trôi đỉnh đầu
Cầm tay trời đất giao nhau
Bâng khuâng người tưởng núi cao cao dần
Ngày đó tiễn bạn sang xuân
Đến nay mờ tỏ theo chân cuối trời”
Biên soạn
Đào Xuân Việp
(Nguyên Phó chủ tịch UBND huyện An Lão)