Xây dựng nông thôn mới tại An Lão tạo đột phá, chuyển biến sâu trong năm 2014

16-05-2014 1924

Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), nông thôn An Lão đã và đang có sự thay đổi mạnh mẽ. Với chủ đề năm 2014  chủ đề “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng NTM” gắn với mục tiêu xây dựng địa phương trở thành đô thị vệ tinh của thành phố vào năm 2020, hy vọng An Lão sẽ có đột phá xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển nhanh, bền vững.

Làm đường giao thông nội đồng tại thôn Câu Hạ A, xã Quang Trung.

Thành quả bước đầu

Với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, năm 2014, huyện An Lão xác định tập trung nhân lực, nguồn lực, “dồn sức” để xã điểm An Thắng “về đích” NTM. Nhìn chung, chương trình xây dựng NTM của huyện thu được kết quả tốt. Sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, hệ thống chính trị cơ sở được giữ vững, vai trò người dân là chủ thể xây dựng NTM ngày càng rõ nét. Tính đến hết năm 2013, bình quân toàn huyện đạt 10,73 tiêu chí/xã (cao hơn mức bình quân chung của thành phố) ;100% xã đều có thôn làm điểm xây dựng đường giao thông nông thôn. Phần lớn các xã đã triển khai thực hiện xây dựng các tuyến đường thôn, xóm; làm rãnh thoát nước; đắp nền đường giao thông nội đồng. Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện một số mô hình hay, cách làm sáng tạo, tiêu biểu như: làm đường giao thông nông thôn ở thôn Cát Tiên (xã Quang Trung); thôn Cao Minh (xã An Thọ); làm đường nội đồng ở thôn Xuân Sơn (xã An Thắng).

Bí thư Huyện ủy An Lão Phạm Văn Mợi cho biết, trong những năm qua, trung ương, thành phố và huyện đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, đầu tư cho xã điểm An Thắng hơn 14 tỷ đồng xây dựng các hạng mục công trình như trường tiểu học, trường mầm non, xây dựng cánh đồng mẫu lớn đưa cơ giới hóa vào sản xuất, xây dựng đường giao thông nông thôn, trục chính nội đồng… Qua hơn 3 năm, huyện đầu tư gần 5 tỷ đồng xây dựng 13 vùng sản xuất tập trung; xây dựng 3 cánh đồng mẫu lớn tại xã Tân Viên, An Tiến và An Thắng. Các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn đã phát huy hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo và Ban quản lý xây dựng NTM các xã tuyên truyền, vận động nhân dân hiến 170.000 m2 đất, góp hơn 8.000 ngày công lao động xây dựng NTM. Theo tính toán của Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện, thì thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn trên toàn huyện tăng từ dưới 10 triệu đồng (năm 2011) lên khoảng 17 triệu đồng/người/năm (năm 2013). Riêng xã An Thắng đạt xấp xỉ 20 triệu đồng/người/năm.

Để tạo được đột phá

Tuy nhiên qua kiểm tra, rà soát tại 15 xã cho thấy, còn một bộ phận cán bộ chủ chốt cơ sở và nhân dân nhận thức về xây dựng NTM chưa đúng mức; trình độ của một số cán bộ các phòng, thành viên ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện, xã hạn chế, chưa theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; thiếu đội ngũ cán bộ giỏi, tâm huyết về xây dựng NTM làm nòng cốt chỉ đạo thực hiện ở cơ sở. Dù thành phố quan tâm, dành nguồn lực lớn để thực hiện nhưng do nhu cầu đầu tư lớn, nguồn lực hỗ trợ thực hiện Chương trình NTM chưa đáp ứng các mục tiêu đề ra. Trong khi nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách hạn chế thì việc huy động các hình thức xã hội hoá đầu tư cho hạ tầng khu vực nông thôn như chợ nông thôn, nhà văn hóa chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, hạ tầng kinh tế nông thôn còn thiếu, các công trình đường nội đồng, kiên cố hoá kênh mương mới dừng lại ở mục tiêu làm giảm sự vất vả cho người dân. Việc vận dụng bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM ở một số địa phương còn máy móc, dẫn đến tình trạng một số công trình đầu tư nhưng không phát huy hiệu quả cao như nhà văn hoá, chợ...

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện An Lão Đào Văn Tần, bắt đầu từ năm 2014, huyện tập trung đầu tư hơn cho hỗ trợ phát triển sản xuất. Song thực tế việc triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất ở các địa phương chậm, lúng túng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mới đạt được ở mức mô hình thí điểm, chưa tạo thành hàng hoá. Trên địa bàn đã có nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi, nhưng chưa có hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả, điển hình để nhân rộng,… Để tạo những chuyển biến sâu, rộng, đột phá cho NTM trong năm 2014 và những năm tiếp theo, nhiệm vụ quan trọng của địa phương là tiếp tục nâng cao nhận thức, đổi mới mạnh mẽ tư duy, tích cực chỉ đạo, tăng cường phối hợp, đổi mới nếp nghĩ, cách làm. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cần liên tục, nhất quán, quyết liệt, sát thực, cụ thể, xác định người nông dân là chủ thể và cũng là mục tiêu phát triển. Trong tổ chức thực hiện cần cân nhắc kỹ càng, xác định bước đi phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, cơ sở, khắc phục tính hình thức, chạy theo phong trào, ngăn ngừa và hạn chế những chi phí chưa thật sự cần thiết, tránh lãng phí.

                                                                                                     Nguồn HPĐT

Ý kiến bạn đọc (0)