ĐẠI ĐIỀN - ĐỊA CHỈ ĐỎ VÙNG QUÊ ANH DŨNG CHỐNG CÀN

16-05-2017 2148

Thời gian qua đi đã hơn sáu mươi năm sao mà nhanh thế, song mỗi tên đất,tên người ở làng Đại Điền xã Tân Viên vẫn còn đó. Thấm đậm nơi đây mảnh đất và con người đã đi vào những trang dòng lịch sử. Một Đại Điền quân và dân cùng chung ý chí hiên ngang, anh dũng trong chống càn thắng lợi. Góp phần làm nên một bản hùng ca về xã anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

*

*    *

Nghe kể chuyện chống càn lẫm liệt năm xưa

Cơn mưa đầu mùa qua mau. Chúng tôi về Đại Điền trong tiết trời thoáng đông, trong xanh. Con đường liên thôn vào làng trải nhựa phẳng lỳ. Làng quê nơi đây như bừng tươi sức sống trên mỗi gương mặt, nụ cười, ánh mắt người dân. Ngay từ phút ban đầu chúng tôi đã thật phấn khích về sự cởi mở, chân thành của các bậc cao niên như ông: Lương Đăng Thoan, Bùi Đình Khản, Trưởng thôn Bùi Đình Thoại và Ban lãnh đạo của thôn "Ôn cố tri tân" câu chuyện cứ cuốn hút chúng tôi trở về với ngược dòng thời gian trên mảnh đất này. Như bao làng quê khác ngày xưa ấy người dân làng Đại Điền đã sớm một lòng đi theo Đảng, làm cách mạng. Sau cách mạng tháng 8 thành công làng quê lại bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp với tinh thần quyết tử mà không hề lung lay, nao núng. Những mái tranh nghèo và lòng dân cứ thủy chung son sắt với cuộc kháng chiến chống Pháp đầy hy sinh gian khổ ngay trên mảnh đất quê hương.

Từ xưa Đại Điền đã được bao bọc bởi 2 dòng sông Đa Độ và Văn úc. Thời kỳ 1952 - 1953 nơi đây là vị trí trung chuyển giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm giữa ta và địch. Ngay trên địa bàn thôn khi ấy đã là địa điểm của một số đơn vị chủ lực đóng quân. Cuộc kháng chiến chống Pháp ngày một gay go ác liệt. Sau những trận đánh thắng của quân ta kẻ địch càng hung hăng ráo riết trả thù chống trả điên cuồng. Hôm đó vào 1h25 phút ngày 21/4/1953 trận tấn công đồng loạt của quân ta  vào thị xã Kiến An, trong đó có lực lượng vũ trang An Lão thắng lợi lớn. Bị thất bại nặng nề địch cấp tốc phản ứng. Chúng huy động lực lượng tổng hợp khá lớn gồm các tiểu đoàn bộ binh, cơ giới, pháo binh, ca nô, tàu chiến có máy bay yểm trợ chặn sông Văn Úc hòng tiêu diệt quân ta rút lui về địa bàn căn cứ Tiên Lãng. Cùng kết hợp với lính Pháp, quân đồn trú ở các vị trí Sái Nghi, Khuể, bốt Chùa San bao vây hung hãn thôn Đại Điền , khi quân ta chưa kịp qua sông. Khi rút lui, dừng quân tại Đại Điền lực lượng của ta có cán bộ chiến sĩ chủ lực của các đại đội 195, 295, 196, 53... cùng một số cán bộ quân báo tỉnh, lực lượng vũ trang An Lão, dân công huyện Tiên Lãng và hàng trăm tù binh lính Pháp... ngay trong thời khắc đầy cam go ấy chi bộ Đảng xã Tân Viên đã kịp thời nhận định tính chất ác liệt mà kẻ địch sẽ bao vây, càn quét vào địa bàn Đại Điền. Kế hoạch huy động mọi lực lượng giúp đỡ bộ đội, du kích, sơ tán người già, phụ nữ, trẻ em. Các đoàn thể: du kích, thanh niên, phụ nữ tham gia phục vụ chiến đầu. Lực lượng bộ đội chủ lực của ta được bố trí ở các địa điểm phía Đông, Tây, giữa làng. Tất cả gấp rút cho một cuộc chiến đấu chống trả như :" Ngàn cân treo sợi tóc". Ngay từ 9h sáng ngày 21/4 kẻ địch đã tăng quân chi viện tập trung các hướng vào Đại Điền như: Kim Côn, Biều Đa, bốt Chùa San, bến Khuể, sông Văn Úc, chợ Đường Dài, thôn Ly Câu... tất cả tạo nên thế và lực hùng hậu đánh chiếm Đại Điền. Nhân dân thôn Đại Điền cùng với các lực lượng của ta sẵn sàng phục vụ cho trận tập kích đầu tiên của địch vào làng như: đào hầm tại nhà, đào hào, công sự tại vườn, rìa làng. Ông Lương Đăng Thoan cho biết "lúc đó ông còn nhỏ mới 15,16 tuổi. Song ông vẫn còn nhớ: Khoảnh khắc thời gian oanh liệt ấy địch tổ chức hai đợt tấn công mãnh liệt từ 12 đến 14h trong ngày với máy bay thả bom, tàu chiến bắn phá, bộ binh dàn hàng ngang tiến vào làng. Quân và dân ta bình tĩnh, mưu trí, khôn khéo dùng hỏa lực chống trả. Kẻ địch nhiều tên chết tại trận, xô nhau bỏ chạy... Hết trận đánh này đến trận đánh khác quân địch càng tăng viện vũ khí đạn dược, lực lượng. Đến 14h một cánh quân địch hung hăng tiến vào làng lọt giữa trận địa của ta. Các đơn vị dùng hỏa lực bắn chia cắt, phản công, xung phong đánh giáp lá cà. Xác địch nằm chồng lên nhau. Rồi tháo chạy  khỏi làng, cả Đại Điển rung chuyển cuộc chiến đấu quyết tử không cân sức giữa ta và địch. Nhưng kẻ thù đã bị thất bại trước tinh thần quả cảm chiến đấu và phục vụ chiến đấu của quân và dân ta".

Trong cuốn "Lịch sử đấu tranh vũ trang cách mạng huyện An Lão giai đoạn 1945 - 1975" còn ghi rõ sự kiện chống càn Đại Điền. Sau hai đợt tấn công đen tối, điên cuồng dữ dội, 16h ngày 21/4 địch tiếp tục đánh vào Đại Điền lần thứ ba vẫn với lực lượng hùng mạnh ấy nhưng kẻ thù lại phải chấp nhận những tổn thất nặng nề trước sức chống trả quyết liệt của ta. Buộc địch phải rút lui thất bại hoàn toàn. Các lực lượng của ta tiêu diệt tới 200 tên lính chủ yếu là lính Âu Phi. Trong đó có quan 1 và quan 2 của Pháp, thu nhiều vũ khí. Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn chưa đầy một ngày Đại Điền như một chiến trường giữa ta và địch. Kẻ địch đã trút xuống làng quê nơi đây 53 quả bom phá, 30 quả bom na pan và nhiều đạn pháo các loại. Quân và dân ta đã hy sinh 34 chiến sĩ, 14 người dân thường, 80 người bị thương. Cả làng quê sau những khốc liệt đã thiệt hại nặng nề. Nhà cửa tài sản hầu như bị thiêu hủy, đốt cháy, cày xới, tan hoang, tiêu điều, vẻn vẹn chỉ còn lại 12 nóc nhà xập xệ đó đây.

Câu chuyện về  những trận tập kích hung bạo của kẻ thù và chiến thắng vang dội của quân và dân ta ở Đại Điền cứ cuốn hút chúng tôi với những sự kiện và con người vẫn còn hiển hiện đến hôm nay. Ông Bùi Đình Khảm nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy, ông Lương Đăng Thoan nguyên cán bộ lãnh đạo xã Tân Viên vẫn còn nhớ như in những tấm gương như: chiến sĩ Bùi Đình Chiều một thiếu niên nhỏ của làng lúc đó đã gan dạ làm giao liên, liên lạc dưới làn mưa bom bão đạn hỗ trợ giúp đỡ bộ đội trong chiến đấu. Chiến sĩ Phạm Văn Điềm mưu trí kiên cường đến cùng  trong lần đánh nhau với địch tại cót thóc nhà dân. Chiến sĩ Mai Văn Trượng chiến đấu tại gốc cây mít vườn làng bắn chết giặc rồi hy sinh và đau thương như gia đình cụ Vũ Thị Hoản khi đó cụ đã là đảng  viên, tận tình hết lòng cho cách mạng. Khi  địch tấn công vào làng đạn, bom đã làm 5 người chết tại nhà. Chiến thắng của quân và dân  ta ở Đại Điền là tinh thần cách mạng vô song, quân với dân một ý chí. Dưới làn mưa bom bão đạn người dân địa phương đã chung sức, đồng lòng, chia lửa, giúp đỡ  hết lòng cho bộ đội, chấp nhận những hy sinh đau thương mất mát lớn lao. Những người dân của Đại Điền trong chống càn năm xưa không còn nữa nhưng máu đào của họ đã thấm sâu vào lòng đất quê hương bất khuất kiên cường. Và đi trên mảnh đất làng quê Đại Điền hôm nay vẫn còn bao chứng tích truyền thống cách mạng quê hương như tấm gương chiến sĩ Đặng Đình Kim bộ đội Núi Voi nêu cao khí tiết của người chiến sĩ trước sự tra tấn dã man, mũi súng kẻ thù. Quân địch đã mổ bụng moi gan đồng chí ngay tại góc ao đình làng. Thế rồi một người con của quê hương như Nguyễn Ngọc Quý sáng mãi chân dung người lính tăng thiết giáp cùng đồng đội có mặt trong giờ phút trọng đại ngày 30/4/1975 tiến vào dinh Độc Lập giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, nhân dân Đại Điền cùng cả nước đi tiếp cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc. lớp lớp cha anh có mặt trên các chiến trường  mặt trận vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Tổng kết hai cuộc chiến tranh một làng quê đất không rộng, người không đông nhưng đã có 6 bà mẹ được phong tặng danh hiệu cao quý mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều gia đình cơ sở cách mạng, 50 người con đã anh dũng hy sinh trọn đời cho Tổ quốc.

*

*   *

 

Bức tranh quê hương thời kỳ đổi mới

Về Đại Điền hôm nay chúng ta bắt gặp một làng quê đã và đang thay da đổi thịt từng ngày. Quá khứ đau thương, anh dũng tạo nên sự đoàn kết đồng lòng để người dân nơi đây xây dựng quê hương, xứng đáng với những hy sinh của lớp người đi trước. Trường thôn Bùi Đình Thoại con người của "Miệng nói tay làm" nhanh nhẹn hoạt bát đưa chúng tôi dạo quanh làng trong không khí của đất trời quê hương. Những cánh đồng lúa mướt xanh sau dồn điền đổi thửa phơi phới sức xuân. Với các giống lúa năng suất cao, chất lượng gạo ngon. Một Đại Điền từ lâu đã là điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp của thành phố, giờ đây được nhân lên bằng các vùng quy hoạch: giống lúa chất lượng cao, vùng kinh tế thủy sản, vùng trồng hoa cây cảnh. Chạy dài ven nhánh dông Ba La là vùng kinh tế trang trại chăn nuôi quy mô lớn, tập trung với vài chục trang trại chăn nuôi gà, lợn. Tạo nguồn thu nhập lớn với hộ nông dân, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo của thôn xuống còn 1,4%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế người dân Đại Điền phát triển các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ mộc, nề, cơ khí, xay xát, vận chuyển ... 100% cơ giới hóa được đưa vào đồng ruộng. Bức tranh nông thôn, làng quê bừng tưoi cuộc sống mới đầy năng động, làm giàu chính đáng. Khu trung tâm văn hóa làng và trường học Mầm non 2 tầng ngày ngày là điểm tập trung các hoạt động của cộng đồng làng, rộn vang tiếng trẻ thơ được nuôi dạy chăm sóc tận tình chu đáo. Đình làng di tích lịch sử cách mạng cấp thành phố, biểu tượng của làng quê cách mạng được xây dựng khang trang uy nghiêm, khuôn vinh xinh xắn, bốn mùa tỏa bóng cây râm mát, trong xanh mặt nước ao đình. Để rồi nơi đây cứ như điểm hẹn của mỗi con dân cháu làng níu gót mỗi khi đi về với làng quê yêu dấu. Đặc biệt bức tranh nông thôn mới hôm nay ở Đại Điền đã chứng minh cho tinh thần "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới" đi vào thực tiễn cuộc sống. Hệ thống giao thông của làng với những tuyến đường nhựa, đường bê tông ngang dọc, ngõ xóm cứ thênh thang rộng mở, khang trang, sạch đẹp . Đêm đêm ánh điện lung linh tăng thêm sức sống hồn quê. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" có sức lan tỏa tới mỗi gia đình, dòng họ, người dân. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân được phát huy. Nhân dân Đại Điền chung sức đồng lòng xây dựng quê hương trong yêu thương gắn bó. Một chi bộ Đảng với gần 80 đảng viên luôn phát huy vai trò lãnh đạo, tính tiền phong gương mẫu của mỗi cán bộ đảng viên. Hơn 600 hộ gia đình, gần 2000 nhân khẩu, 43 dòng họ như "Nhiều cây chụm lại" vững vàng đi lên trong xây dựng làng quê giàu đẹp văn minh.

Đại Điền miền quê yêu dấu. Mảnh đất và con người nơi đây như nhịp cầu bắc nối giữa quá khứ hiện tại và ngày mai. Một làng quê luôn tiềm tàng truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa dân tộc. Một làng quê cứ đi lên, vươn cao mang vóc dáng thời đổi mới. Để mỗi người dân thêm tin yêu cuộc sống. Xây dựng quê hương trong "thiên thời địa lợi nhân hòa".

                                                                                                     Vũ Hợp

 

Ý kiến bạn đọc (0)