(Đài An Lão) Đến các vùng nông thôn, đâu đâu cũng nghe thấy bàn chuyện xây dựng nông thôn mới. Trong đó có vấn đề thu gom rác thải ở nông thôn - một trong những yếu tố quan trọng trong tiêu chí vệ sinh môi trường nông thôn. Thực tế hiện nay cho thấy, việc thu gom, xử lý rác thải nông thôn vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm.
Theo ước tính, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các khu dân cư nông thôn khoảng 80 tấn/ngày và tỷ lệ thu gom đạt khoảng 80%. Đến nay, toàn huyện có 13/17 xã thị trấn đã thành lập tổ thu gom chất thải rắn và bố trí được bãi chôn lấp chất thải, còn 3 xã Quốc Tuấn, Chiến Thắng, Tân Viên các hộ gia đình tự xử lý rác thải tại hố rác gia đình. Xã Chiến Thắng hiện nay đã quy hoạch xong vị trí làm bãi chôn lấp rác thải tại khu Tân Thắng, diện tích 1,5 ha, hiên UBND xã đã lập tờ trình xin phê duyệt chủ trương. Rác thải sinh hoạt trên địa bàn thị trấn An Lão do hạt quản lý đường bộ huyện chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển và xử lý. Tại xã Mỹ Đức thì rác thải do hợp tác xã Trường Giang tiến hành thu gom, vận chuyển và xử lý. Ngoài ra các địa phương tiếp tục duy trì thực hiện mô hình phụ nữ với công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, phát động phong trào toàn dân tham gia dọn vệ sinh thu gom rác thải bảo vệ môi trường. Theo đánh giá, công tác vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải trên địa bàn huyện đã cải thiện cơ bản môi trường sống, đường làng ngõ xóm phong quang sạch đẹp, giảm đáng kể bãi rác tạm phát sinh gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan khu vực.
Rác thải đã được thu gom, tuy nhiên việc bố trí các bãi rác tập trung và công tác xử lý các chất thải đó lại là vấn đề nan giải. Qua tìm hiểu tại một số địa phương được biết, do không có biện pháp xử lý thích hợp nên đã gây ô nhiếm thứ cấp. Toàn bộ lượng rác thải thu gom được chưa chưa có biện pháp xử lý đảm bảo hợp vệ sinh. Hiện nay người dân xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, đốt cháy tự nhiên không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh môi trường. Các loại rác thải rắn như bao bì, chai lọ… hầu như chưa được xử lý đúng phương thức. Bao bì thuốc bảo vệ thực vật, bao bì phân bón hoá học sau khi thu gom thường được người dân đốt hoặc chôn lấp ở xa khu dân cư. Nhiều địa phương, nông dân còn thu gom chung với rác thải sinh hoạt. Các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, trấu... chủ yếu được xử lý bằng cách đốt rồi dùng tro bón ruộng. Cách làm này vừa gây lãng phí, vừa ô nhiễm môi trường và nguy cơ cháy nổ. Phương pháp xử lý rác thải trong chăn nuôi còn đơn giản; chủ yếu được xử lý bằng ủ nóng và hầm biogas. Sau khi xử lý, phân được sử dụng bón cho cây trồng, dùng làm thức ăn cho cá. Một số đơn vị có thu gom, xong còn đổ rác bừa bãi, không xử lý, vì vậy đã và đang gây ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và là nguyên nhân gây bức xúc hiện nay ở nông thôn.
Về vị trí đặt bãi rác, so với các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về xây dựng, về bãi chôn lấp hợp vệ sinh thì việc quy hoạch các vị trí đều mang tính chất tương đối. Kinh phí để thực hiện giải phóng mặt bằng và xây dựng khu xử lý rác thải hợp vệ sinh, kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng đường giao thông ra bãi rác, kinh phí mua sắm đấu tư trang thiết bị chuyên dùng, hóa chất xử lý và kinh phí trả cho người lao động trực tiếp làm công tác thu gom rác còn quá ít. Đối với khu xử lý rác thải tập trung của huyện, hiện nay huyện đã thuê đơn vị tư vấn lập hồ sơn quy hoạch và lập dự trù kinh phí triển khai xây dựng khu xử lý rác thải tại tại Thùng Ấu - Ngọc Chử xã Trường Thọ với diện tích 5 ha. Tuy nhiên vị trí này cũng chỉ tương đối phù hợp so với quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng bãi chôn lấp, xử lý rác thải hợp vệ sinh. Các vị trí khác có diện tích lớn hơn thì không đáp ứng được yêu cầu về yếu tố vệ sinh môi trường như gần khu dân cư, gần nguồn nước. Mặt khác kinh phí để quy hoạch, GPMB là rất khó khăn trong khi ngân sách của huyện còn hạn hẹp, Vì diện tích bố trí cho bãi rác là không có nên việc lựa chọn công nghệ xử lý đốt khoảng 60%, sau đó chôn lấp 10 đên 15% lượng rác thải, còn lại là tái chế, tái sử dụng là phương pháp tối ưu.
Để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn, đặc biệt là công tác thu gom, xử lý CTR sinh hoạt, thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước đã quan tâm đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý CTR quy mô nhỏ, áp dụng công nghệ đốt không sử dụng nhiên liệu như công nghệ NFi-120 của Thái-lan, công nghệ BD-ANPHA của Công ty TNHH Đức Minh hoặc ủ phân hữu cơ như tại các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Bình,... Ưu điểm của các mô hình xử lý rác thải quy mô nhỏ này là giá thành hợp lý (gần ba tỷ đồng), diện tích khoảng 1ha, cần từ 3 đến 5 công nhân vận hành với mức lương khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng (đã hỗ trợ thêm phụ cấp độc hại). Những mô hình này bước đầu đi vào hoạt động ổn định, phù hợp trình độ quản lý, vận hành của nhân lực địa phương cũng như cân đối với nguồn thu, chi của công tác vệ sinh môi trường nông thôn.
Cùng với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, khu vực nông thôn cũng đang trong giai đoạn chuyển mình để phát triển. Sự phát triển đó đã tạo sức ép không nhỏ đối với môi trường. Do vậy, vấn đề rác thải nông thôn đang rất cần đến sự quan tâm đúng mức của các cấp quản lý trong việc chỉ đạo thu gom, xử lý để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Thu Hà