Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của
văn hóa, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội
sinh cho sự phát triển. Trước những thách thức đặt ra của quá trình công
nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, càng phải chú trọng bảo tồn và
phát huy các giá trị văn hóa dân tộc vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất
nước. Nhận thức được tầm
quan trọng đó, trong nhiều năm qua, huyện An Lão đã luôn đặc biệt
quan tâm đến công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền
thống, coi đây là nhiệm
vụ chính trị quan trọng song hành với việc phát triển kinh tế xã hội - an ninh
quốc phòng tạo động lực đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Bằng nhiều phương pháp cách làm khác
nhau, huyện đã và đang tích cực gìn giữ và phát huy hiệu quả các giá trị văn
hóa truyền thống. Trong đó công tác dân vận khéo đã huy động được sức mạnh tổng
hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia phát huy mạnh mẽ
các giá trị văn hóa, thắp sáng lên ngọn lửa văn hóa dân tộc, làm phong phú đời
sống tinh thần của nhân dân địa phương, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới,
đô thị văn minh.
Xã Tân Viên vốn là một trong
những địa phương giàu truyền thống văn hóa lịch sử của huyện An Lão. Địa phương
nổi tiếng với các lễ hội đầu xuân với nhiều hoạt động văn hóa dân gian như tế lễ
và các trò chơi dân gian như đi cầu thùm, đập liêu đất, chọi gà, cờ tướng...Và
đặc biệt lễ hội đầu xuân năm 2024, xã Tân Viên đã làm tốt công tác tuyên truyền
vận động nhân dân 5/5 làng văn hóa đã khôi phục tham gia nghi lễ Rước lợn ông Bồ
và nghi thức bánh dày giã tay - là nghi lễ, nghi thức truyền thống đã phần nào
bị mai một trong những năm gần đây. Việc khôi phục các nghi lễ, nghi thức này
nhằm thể hiện lòng thành kính, ngưỡng vọng với Thành Hoàng làng, tôn vinh nét ẩm
thực truyền thống đặc sắc, ước vọng mong cầu sự phồn thịnh, ấm no, sự sinh sôi
nảy nở phát triển trong lao động sản xuất nông nghiệp.
Ở cấp huyện, ngày 12/3/2024, Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định số 606 xếp hạng Đền Lê Khắc Cẩn
là di tích lịch sử cấp quốc gia. Và 1/5/ 2024, huyện An Lão long trọng tổ chức
lễ công bố và đón nhận bằng. Kết quả này là cả một quá trình nỗ lực của cấp ủy
chính quyền từ huyện đến cơ sở, dòng họ Lê và nhân dân địa phương trong công
tác dân vận khéo tu bổ, tôn tạo, nhân lên các giá trị văn hóa. Đền thờ
Lê Khắc Cẩn được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia thể hiện sự tri ân sâu sắc của
thế hệ hôm nay đối với Tiến sĩ, Nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn. Qua đó, khơi dậy
và nêu cao lòng tự hào, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử văn
hóa, truyền thống hiếu học, truyền thống yêu nước và đấu tranh giải phóng dân tộc
hào hùng của dân tộc ta trong thời kỳ đổi mới.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện
An Lão, nhiều di tích đã và đang được tu bổ, tôn tạo bảo tồn và phát huy
giá trị như chùa
Long Hoa; đền thờ trạng nguyên Trần Tất Văn; đền thờ tam tiến sĩ; đền thờ Nữ tướng
Lê Chân...đã góp phần vào việc
giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc quê hương, tinh thần hiếu học quê hương trạng nguyên Trần Tất Văn.
Theo trưởng phòng Văn hóa - Thông
tin huyện An Lão ông Lê Văn Huy: “Đến nay huyện An Lão có 55 di tích lịch sử đã được xếp hạng, trong đó có 5 di tích cấp quốc
gia, 50 di tích cấp thành phố, 43 di tích trong danh mục kiểm kê đã được UBND
thành phố phê duyệt; 303 cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, tôn giáo, 35 lễ hội từ cấp
huyện đến cấp cơ sở trong đó có 19 lễ hội gắn với di tích”. Những
lễ hội và hoạt động văn hóa nổi
tiếng và độc đáo của huyện An Lão là Lễ hội Núi Voi, lễ hội vật xã Thái Sơn, Hội làng giỗ cụ Trạng
nguyên Trần tất Văn, rước lợn ông bồ xã Tân Viên...Việc tổ chức các lễ hội là những món ăn tinh thần
không thể thiếu của người dân địa
phương và là điểm đến
tham quan chiêm bái đáp ứng nhu cầu
tâm linh của nhiều du khách trong và ngoài thành phố. Bà
Nguyễn Thị Mai, công chức văn hóa - xã hội xã Thái Sơn cho biết: “ Hàng năm, xã
Thái Sơn đều tổ chức lễ hội đền Trạng, hội làng, hội vật
truyền thống. Qua đây phong trào văn hóa văn nghệ của
địa phương phát triển mạnh mẽ, hình thành nhiều CLB văn hóa văn nghệ,
tích cực tham gia biểu diễn trong các dịp lễ, tết, hội làng...Từ nhiều
hoạt động này giúp chúng tôi bảo tồn và phát huy được nét đẹp truyền thống của
quê hương mình”.
Trong những năm qua, huyện An
Lão làm tốt công tác dân vận khéo đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ
thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia gìn giữ và phát huy các giá
trị văn hóa truyền thống. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, cơ
quan quản lý văn hoá đã định hướng, tạo
dựng nguồn lực trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Quy hoạch
tổng thể, tập trung đầu tư, chỉnh trang, tôn tạo các di tích. Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành
phố, các đơn vị liên quan thẩm định, đề nghị UBND Thành phố quan tâm tu
bổ, tôn tạo đối với các di tích.
Nhiều địa phương đã khéo vận động xã hội hóa kinh phí từ con em xa quê, du
khách thập phương và nhân dân địa phương được hàng trăm triệu đến tỷ đồng để
xây dựng, tu bổ tôn tạo các công trình văn hóa tâm linh đình, đền, chùa. Bà Trịnh
Thị Thấm, Bí thư chi bộ thôn Cát Tiên, xã Quang Trung cho biết: Thôn Cát Tiên vừa
khánh thành công trình xây dựng nhà mẫu chùa Mục Đồng nhằm đáp ứng nhu cầu tâm
linh của nhân dân địa phương. Tổng kinh phí xây dựng tu bổ tôn tạo nhà mẫu và
mua sắm đồ thờ, đúc tượng, xây dựng công trình phụ trợ là 1,6 tỷ đồng. Nhờ làm
tốt công tác vận động, 100% kinh phí xây dựng, tu bổ đều nhân dân và con em xa
quê đã phát tâm công đức. Riêng trong ngày đại lễ khánh thành nhân dân đã công
đức 155 triệu đồng.
Cùng với việc tu bổ tôn tạo
các công trình tâm linh, 100% Ban quản lý di tích trên địa bàn huyện đã cử người
có uy tín, am hiểu về di tích trực tiếp làm công tác quản lý di tích tại địa
phương; Huyện cũng khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân
nghiên cứu, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể và vật
thể; thực hiện tốt các biện
pháp để bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ngăn chặn nguy cơ làm
mai một, sai lệch hoặc thất truyền.
Đặc biệt huyện An Lão thực hiện
hiệu quả công tác dân vận, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các
giá trị văn hoá truyền thống cũng như các điểm du lịch văn hóa tâm linh thông qua nhiều hình thức phong phú,
đa dạng. Lồng ghép tuyên truyền cổ động trực quan gắn với sự kiện quan trọng của đất nước và huyện. Năm 2024, huyện An Lão là địa phương đầu tiên
trong toàn thành phố tổ chức Hội thi “ Chúng tôi là thuyết minh viên giỏi”. Thông qua Hội thi tiếp tục tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá
về vùng
đất, con người và truyền thống lịch sử, văn hoá An Lão, góp phần xây dựng An Lão trở
thành một địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng, xây
dựng đội ngũ
làm công tác thuyết minh viên tại điểm, hướng dẫn du lịch trên địa bàn, góp phần đưa hình ảnh
và văn hoá của huyện An Lão đến gần hơn với du khách trong và ngoài
thành phố.
Bên cạnh đó, Huyện đoàn An Lão đã triển khai chương trình thanh niên
“chuyển đổi số” trong tuyên truyền, quảng bá điểm du lịch,
địa chỉ đỏ, di tích lịch sử văn hóa,
đến nay đã tổ chức gắn biển mã QR code được 33 di tích.
Ngành giáo dục và đào tạo huyện cũng thường xuyên chỉ đạo các trường học
đẩy mạnh giáo dục truyền thống văn hóa, tổ chức các hoạt động ngoại khóa dã ngoại tham quan các di tích lịch
sử, các thắng cảnh của huyện,
tổ chức học sinh chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ, các đài tưởng niệm liệt sỹ, thăm
hỏi các gia đình có công với cách mạng, thăm doanh trại bộ đội.
Cùng với đó, phong trào toàn dân đoàn kết đoàn kết xây dựng nông
thôn mới, đô thị văn minh đã và đang
được triển khai sâu rộng trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần thúc đẩy kinh tế- văn hóa xã hội của huyện ngày càng
phát triển. Thông qua đó,
công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống tiếp tục được nhân rộng khơi dậy, tập hợp tình đoàn kết thôn xóm, khu dân cư, tích cực tham gia xây dựng quê hương.
Với nhiều việc làm cụ thể thiết
thực, nhất là khéo dân vận, huyện An Lão đã và đang gìn giữ, bảo tồn phát huy các
giá trị di tích lịch sử văn hóa, các cơ sở tín ngưỡng tâm linh, thắp sáng lên
ngọn lửa văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu tâm linh, làm phong phú đời sống tinh
thần của nhân dân địa phương, góp phần quan trọng và tích cực phát triển kinh tế
văn hóa xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn
minh trên địa bàn huyện An Lão ./.
Vũ Bé