Thôn Câu Trung xã Quang Hưng, huyện An Lão là một “căn cứ Đỏ” nổi danh trong cao trào cách mạng tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở Hải Phòng - Kiến An.
Xưa kia, Câu Trung là một xã của tổng Câu Thượng, huyện An Lão. Thời nhà Trần (1226-1400), huyện nay thuộc Hồng Lộ, đến thời thuộc Minh, cho nhập vào Châu Đông Triều, phủ Tân Yên. Sang thời Lê, An Lão lại thuộc phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương. Địa bàn huyện An lão ngày ấy gồm phần lớn đất đai huyện An Lão, Kiến Thuỵ, Đồ Sơn và Kiến An bây giờ. Năm 1887 lập nha rồi tỉnh Hải Dương, huyện An Lão trực thuộc tỉnh mới thành lập này.
Câu Trung thuộc vùng rừng rậm đầm lầy, ở đồng bằng ven sông Văn Úc đã được người Việt cổ khai phá cách đây hàng nghìn năm. Câu Trung tiếp giáp với quốc lộ 10 ở phía Đông Bắc; phía Nam kề thôn Câu Hạ qua cánh đồng trũng, phía Tây giáp sông Văn Úc, có con đê Ngự Hàm dài 5Km, phía Bắc có sông Đa Độ chạy qua. Mảnh đất lịch sử này còn bảo lưu được nhiều địa danh cổ như đống Phật, chùa Ngô, mả Vua, đống Ba Quan, trại Quan và nhiều dấu vết lịch sử khác. Tiêu biểu như: những viên gạch có hoa văn độc đáo ở các ngôi mộ, có niên đại xác định ngót 2 nghìn năm; đồ gốm xứ, gạch ngói thời Lý Trần, thời Lê - Mạc rải rác đó đây trong lòng đất. Tấm bia đá ở đình làng dựng năm Vĩnh Thịnh nguyên niên, đời Lê Dụ Tông (1705) thực sự là bản cổ văn quý.
Tương truyền, làng Câu Trung vốn là đất “thực ấp” của công chúa Quỳnh Trân, con gái vua Trần Thánh Tông. Rất tự nhiên công chúa Quỳnh Trân trở thành vị thần chủ, thành hoàng của làng Câu Trung, vùng đất bà đã từng có công mở mang, phát triển. Chùa Ngô không chỉ là cổ tự thờ Phật mà còn là nơi tôn vinh, lưu tích Trần Hưng Đạo. Địa điểm dựng chùa, theo nội dung bia “Hậu phật” dựng năm 1721 chính là nơi dừng chân của Quốc công tiến chế Hưng Đạo Vương trong cuộc hành binh chuẩn bị cho cuộc thuỷ chiến lịch sử trên sông Bạch Đằng.
Trước khi các cán bộ Việt Minh chọn mảnh đất Câu Trung để xây dựng căn cứ cách mạng, nơi đây đã từng là cơ sở hoạt động của nhiều nhà yêu nước chống sách thống trị của thực dân Pháp. Câu Trung với vị trí gần sông giáp danh với tỉnh bạn, có mạng lưới đầm hồ chằng chịt, lau sậy um tùm, đã được các nghĩa binh chống pháp đưới sự lãnh đạo của các ông Trạch, Rẻo, Triệu, Lộng, Lãnh Bắc coi là “an toàn khu”, “căn cứ kháng chiến” một thời. Nhằm khủng bố tinh thần yêu nước của nhân dân, thực dân pháp đã mở toà đại hình tại Câu Trung (Khu Vàm Án), xử tử nhiều người yêu nước. Vũ lực của kẻ thù không khuất phục được nhân dân Câu Trung, Quang Hưng. Đầu năm 1930, cờ đỏ búa liềm tung bay trên nóp điểm cháy (Câu Trung), cây đa gù (Câu Thượng), mở đầu cho các phong trào cách mạng mới ở địa phương dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong cao trào tiền khởi nghĩa và khởi nghĩa dành chính quyền ở địa phương, Câu Trung thành xây dựng thành căn cứ cách mạng vững chắc của Mặt trận Việt Minh. Phong trào cách mạng sục sôi ở Câu Trung đã tác động mạnh mẽ tới các làng, xã thuộc huyện An Lão, An Dương và nhiều nơi khác. Quần chúng yêu nước ở nhiều địa phương đã liên hệ với Việt minh tại Câu Trung, nhờ giúp đỡ xây dựng cơ sở Việt Minh ở quê hương mình.
Ngày 15-8-1945, Nhật đầu hàng đồng minh, Đảng ra chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, đêm 16 rạng 17-8-1945, tự vệ An Lão xuất phát từ căn cứ Câu Trung cùng quần chúng vũ trang đột nhập huyện ly. Trước khí thế cách mạng hừng hực, tri huyện cùng đám lính vệ vội vàng hạ vũ khí xin hàng, nộp toàn bộ ấn tín, sổ sách, tài liệu, vũ khí cho cách mạng. Chớp thời cơ “nghìn năm có một” tự vệ An Lão tiếp tục vượt sông Lạch Tray cùng với lực lượng cách mạng địa phương tấn công vào huyện đuờng An Dương thu nhiều vũ khí. Trên đường từ An Dương trở về, tự vệ An Lão còn tổ chức đánh chiếm một ca nô choẻ đầy dầu của Nhật đỗ tại bến Cầu Trục, xã Trường Chinh (nay là xã Trường Thành) gây tiếng vang lớn.
Ngày 21-8-1945, từ căn cứ Câu Trung, Ban lãnh đạo Việt Minh huyện An Lão tổ chức lực lượng chia làm 3 mũi tấn công giành chính quyền tỉnh lỵ Kiến An Mũi thứ nhất do đồng chí Quốc Hiệu chi huy đột nhập “nhà dây thép” cắt đứt mạng lưới giao thông của địch. Mũi thứ hai do đồng chí Nguyễn Văn Hán (Phan Hiền) dẫn đầu tấn công dinh tỉnh trưởng, bắt y đầu hàng không điệu kiện. Mũi thứ ba do đồng chí Trần Quý chỉ huy tiến hành tước vũ khí trại Bảo An binh, thu 62 súng, 1 xe vận tải, 30 nghìn đồng Đông Dương. Cách mạng tháng tám năm 1945 ở Hải Phòng - Kiến An thành công, có phần đóng góp không nhỏ của “căn cứ Đỏ” Câu Trung.
Phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, trong nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền xã Quang Hưng, nhân dân Câu Trung đã xây dựng đời sống vật chất và văn hoá tinh thần ổn định. Nếp sống văn hoá mới được hình thành và giữ vững với sự tham gia tích cực, đông đảo của các tầng lớp nhân dân và sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội. Trường học, trạm y tế, hệ thống công trình vệ sinh được xây dựng tu sửa tạo điều kiện sinh hoạt cho nhân dân rất quan tâm xây dựng nông thôn mới. Các tuyến đường giao thông nội bộ đuợc mở rộng, trong thôn ngày càng nhiều ngôi nhà mới.