ĐÌNH QUÁN TRANG NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA VÀ LỊCH SỬ KHÁNG CHIẾN

07-09-2016 1948

(Đài An Lão) Bát Trang một xã thuộc An Lão có thể tìm thấy ở nơi đây những nét điển hình của đồng bằng sông Hồng mà bàn tay con người đã ghi rõ trên đất đai đồng ruộng. Bên dòng sông Văn Úc, Lạch Tray là nơi gặp gỡ của một năm hai mùa lúa với bãi mía nương ngô hồn nhiên quen thuộc ngàn đời. Cùng với cây đa, bến nước, sân đình nét đặc trưng của văn hoá làng quê Việt Nam, cảnh đẹp và những giá trị văn hoá do bàn tay tài khéo của con người Việt Nam xây dựng đang được công cuộc đổi mới của quê hương nâng niu và tôn tạo trong đó có ngôi đình Quán Trang. Đây là một trong số ít ngôi đình ở huyện An Lão may mắn còn sót lại qua binh lửa và thời gian, sự tồn tại của đình Quán Trang và những gì nó đã trải qua khẳng định, ngoài những giá trị là công trình kiến trúc trúc tôn giáo, tín ngưỡng, minh chứng cho miền đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hoá mà còn là 1 di tích  lịch sử cách mạng kháng chiến ở An Lão.

Đình Quán Trang xưa kia là đình hàng tổng của tổng Quán Trang,  thuộc vào loại to đẹp nhất vùng, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỳ 18 đầu thế kỷ 19 (Thời Nguyễn) trên khu đất cao có diện tích hơn 3000m2. Mặt đình trông cửa hồ mang (tức ngã ba sông Văn úc) lưng đình quay về hướng Đông Nam tựa vào núi Voi, cái thế đẹp của đình Quán Trang được ghi lại bằng 2 câu đối cổ trong đình " Hổ bắc tượng nam trang tứ khí - Lý tiền Lê hậu chí linh thanh", sự lựa chọn thế đất của đình cho thấy tâm hồn yêu cái đẹp của các bậc tiền nhân. Cái tên đình Quán Trang cũng nhắc cho ta nhớ đến lịch sử hình thành vùng đất này. Xưa kia Bát Trang là vùng đất cổ cách khu vực Núi Voi 3km, 2500 năm trước là nơi người cổ Núi Voi đánh bắt tôm cá và trồng lúa nước. Vào thế kỳ XIII Công chúa nhà Trần là Trần Chiêu Hoa, chọn vùng đất sa bồi của 2 con sông Văn Úc và lạch  để lập điền trang thái ấp theo tuyền thuyết thì trung tâm điền trang của Công chúa Trần Chiêu Hoa chính là khu vực đình Quán Trang hiện nay, để thuận tiện mua bán và làm chỗ nghỉ cho các thương nhân và lái thuyền, người dân Điền Trang đã cho dựng một ngôi quán bên sông, vì thế làng ven sông được gọi là làng Quán Trang cho đến ngày nay.

Kiến trúc đình Quán Trang xây dựng theo kiểu chữ công gồm 5 gian tiền đường 3 gian hậu cung. 5 gian tiền đường được bài trí lưỡng Long chầu Nguyệt 3 gian hậu cung chéo đao tàu góc. Bên trong con chồng đấu sen khắc trạm trổ, Long, Ly, Quy, Phượng. Đình thờ Đoàn Thượng một tướng đương triểu thời nhà Lý (thế kỷ XI) đồng thời phối thờ Đông Hải đại vương thượng đẳng thần và Nam Hải dực bảo trung hưng trung đẳng thần. Những nhân thần này gắn liền với những huyền thoại và lịch sử trị thuỷ, đắp đê ngăn lũ lụt bảo vệ xóm làng của cư dân Bát Trang.

 Lễ hội đình Quán Trang có quy mô lễ hội làng tổng, vào ngày 26/11 âm lịch diễn ra lễ hội tế chúa vực gắn với truyền thuyết  dân Quán Trang “ bắt Trâu trắng của Chúa Vực” nên bị chúa Vực trả thù, Trâu trắng ở đây là hình tượng những con lũ lớn, sóng to tàn phá đê điều, làng xóm; chúa Vực là thần sông, thuỷ tề, nói về chiến công của dân làng chiến đấu chống lại thiên tai lũ lụt. Nó biểu hiện cho đặc điểm lịch sử của vùng đất Bát Trang vùng đất ba bề bốn bên là sông lớn, lũ lụt quanh năm đe doạ, lịch sử của những cư dân cần cù, dũng dảm trong lao động chống chọi với thiên tai khắc nghiệt mà nổi bật là đắp đê trị thuỷ. Ngoài ra vào ngày rằm tháng giêng đình Quán Trang còn có lễ hội cầu Siêu. Ngoài phần lễ tế thần lễ hội nơi đây không chỉ là lễ bái còn là nơi gặp gỡ làm quen, chuyện trò trao đổi tâm tình tìm đến những sinh hoạt văn hoá dân gian, các tiết mục văn nghệ hát văn, hát chèo, hát giao duyên…Những hoạt động văn nghệ hấp dẫn này đã trở thành chất kết dính mầu nhiệm với nhu cầu tinh thần của dân làng Quán Trang.

" Chẳng thèm ăn chả, ăn nem

Thèm mo cơm tẻ thèm nghe hát chèo"

Trải qua binh lửa thời gian , mặc dù có nhiều mất mát nhưng những hiện vật may mắn còn sót lại, như: 15 bộ sắc phong của các đời vua, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân cùng các đồ thờ cổ khác như bộ khám thờ  4 vị thần, 2 bức hoành phi, Đại tự , xập thờ, 2 bộ võng đặc biệt là chiếc bát hương cổ có đường kính gần mét, về kiến trúc nghệ thuật đây là những hiện vật cực quý, minh chứng cho vùng đất này trước kia có nền kinh tế rất phát triển, đời sống văn hoá tinh thần  cũng rất phong phú, người dân nơi đây không chỉ anh hùng bảo vệ đất nước, cần cù trong lao động sản xuất, mà sáng tạo nghệ thuật cũng rất tài hoa,  hơn thế nữa đình Quán Trang còn là cơ sở giúp đỡ cách mạng và kháng chiến. Với vị trí trọng yếu là miền đất hiểm trở kênh rạch chằng chịt nằm án ngữ ở giữa hai tuyến giao thông thuỷ lớn là sông Văn Úc và sông Lạch Tray, Bát Trang là địa bàn nhạy cảm sớm được những tư tưởng cách mạng truyền vào. Thời kỳ 1927 - 1936 đình Quán Trang là nơi 1 trong những nơi các nhà hoạt động cách mạng chọn làm cơ sở bí mật để gây dựng phong trào cách mạng trên địa bàn, tuyên truyền giác ngộ đường lối cách mạng cho quần chúng đồng thời xây dựng các tổ chức, như Thanh niên, Phụ nữ, Nông hội đỏ… là nơi cất giấu phân phát tài liệu cho các đầu mối cơ sở trên địa bàn huyện An Lão. Trong những nhà hoạt động cách mạng ở đây phải kể đến những cái tên như ;Trần Khắc Quảng, Dương Đức Cù. Những chiến sĩ cộng sản anh dũng kiên trung trong 1 lần bị mật thám vây bắt, Mặc dù bị bắn gãy chân nhưng đồng chí Quảng đã cắn lưỡi hy sinh, thà chết không để lọt vào tay giặc. Trong phong trào quần chúng đấu tranh công khai, năm 1936 đình Quán Trang là nơi thường xuyên tổ chức tập hợp thanh niên học võ và nghe nói chuyện tuyên truyền về cách mạng. Đặc biệt là thời kỳ giắc Pháp quay lại xâm lược nước ta lần thứ 2, nằm ở vị trí cảnh quan lợi hại, gần nơi giặc Pháp và tay sai đóng đồn bốt khống chế hoạt động kháng chiến của quân và dân ta trên tuyến hành lang phía Tây tỉnh Kiến An - huyện An Lão ra vùng tự do Thanh Hà, Tứ Kỳ (Hải Dương) trong những năm 1947 - 1949 đình Quán Trang là cơ sở quan trọng đưa đón cán bộ, bộ đội qua lại hoạt động kháng chiến. Đồng thời là trụ sở Uỷ ban Kháng chiến Hành chính xã, lãnh đạo nhân dân và du kích kết hợp với bộ đội kiên cường bám đất bám làng chống càn quét, phá tề, gây cho địch nhiều thương vong và tổn thất, không tái lập được tề không thu được thuế, không bắt lính bắt phu được. Bọn địch điên cuồng huy động 1 tiểu đoàn cùng 4 Ca nô về bao vây làng quán Trang khủng bố tàn sát nhân dân, hòng đè bẹp ý chí tinh thần chiến đấu của quân dân Bát Trang, chúng lùa tất cả dân làng ra đình Quán Trang bắt xếp hàng, lột hết quần áo, đem chọc tiết một du kích tại của đình, xua dân làng bơi qua sông sang Thành Hà và xả súng bắn theo, 22 người chết tại chỗ . Tội ác dã man của giặc Pháp gây bao đau thương tang tóc cho dân làng ngày đó trở thành ngày “giỗ trận” của nhân dân làng Quán Trang, ngày 29/4 khắc ghi sâu đậm vào lịch sử  đình Quán Trang .

Có thể nói suốt chiều dài tồn tại và phát triển, ngoài những giá trị về lịch sử văn hoá, thì đình Quán Trang hôm nay còn là chứng tích của chiến tranh ghi lại những hy sinh mất mát to lớn của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc. Ông Bùi Văn Bình chủ tịch UBND xã Bát Trang nói về việc gìn giữ và tôn tạo  “Đình Quán Trang không chỉ là một công trình kiến trúc văn hoá làng mà còn là một di tích lịch sử kháng chiến, trách nhiệm là phải giữ gìn cho chúng ta và con cháu mai sau, để làm được điều đó rất cần sớm được các cơ quan chức năng xem xét công nhận đình Quán Trang là di tích lịch sử đó cũng là nguyện vọng thiết tha của nhân dân trong xã” . Quá khứ anh hùng và nhân ái được nâng niu vun đắp, phát huy gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đích thực của cha ông là góp phần xây dựng con người Việt Nam lâu dài .

                                                                                       Nguyễn Hải

 

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)