Đảng bộ huyện An Lão 70 năm một chặng đường Phần II: Đảng bộ huyện An Lão lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược ( 1945 – 1955 )

08-09-2016 1449

Cách mạng tháng 8 thành công, ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, xoá bỏ chế độ thực dân phong kiến, mở ra kỉ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - Kỉ nguyên độc lập, dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và mở ra một thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.

Chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân, trước yêu cầu của nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc đòi hỏi ở An Lão phải có một tổ chức lãnh đạo, chính vì lẽ đó tỉnh uỷ Kiến An quyết định thành lập tổ chức Đảng ở An Lão để làm hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tập hợp lực lượng, lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Vì lẽ đó, ngày 16 tháng 9 năm 1946 tại đình làng Vị Xuyên xã Tân Dân, dưới sự chứng kiến của đồng chí Trần Các, uỷ viên thường vụ tỉnh uỷ Kiến An. Chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên của huyện An Lão được thành lập, lúc đầu có 3 đồng chí, đồng chí Tô Duy được cử làm Bí thư Chi bộ. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa cực kì to lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của huyện nhà, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của huyện An Lão. Kể từ đây quân và dân An Lão đã chính thức có một tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng, giành độc lập dân tộc, củng cố vững chắc chính quyền và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội sau này. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, huyện đã tích cực củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang, khắc phục khó khăn, vận động quần chúng nhân dân thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch: Ra sức diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm; tăng cường công tác xây dựng Đảng vững mạnh, tăng cường ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng nhân dân.

Phản bội Hiệp ước đã kí với Việt Minh, ngày 9 tháng 3 năm 1946 thực dân Pháp đổ bộ xuống Hải Phòng, dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, với quyết tâm sắt đá:"Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", huyện An Lão đã tích cực chuẩn bị mọi điều kiện với tinh thần khẩn trương tất cả cho cuộc chiến đấu mới: Kháng chiến toàn dân, toàn diện, với tính chất ác liệt và lâu dài. Trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng mới và sự phát triển ngày càng lớn mạnh của tổ chức cơ sở Đảng, tháng 3/1947 liên tỉnh uỷ Hải - Kiến quyết định thành lập Đảng bộ huyện An Lão, đồng chí Tô Duy được xử làm Bí thư Huyện uỷ. Lúc đó Đảng bộ có 4 Chi bộ ở 4 khu vực là xã Quốc Tuấn, xã Tân Viên, xã Mĩ Đức và xã Tân Dân. Đến tháng 10/1947 Đảng bộ huyện An Lão đã có 11 chi bộ với 92 đảng viên đó là khẳng định sự trưởng thành ngày càng mạnh mẽ và đánh dấu bước phát triển mới, chuyển biến về chất lượng của tổ chức Đảng ở huyện An Lão. Nhiệu vụ lúc này của Đảng bộ huyện là trực tiếp lãnh đạo quân và dân xây dựng huyện, kháng chiến chống thực dân Pháp và củng cố hệ thống chính trị. Thời điểm này Huyện uỷ đã ra tờ báo mang tên "Giết giặc" động viên cán bộ đảng viên ,lực lượng vũ trang và nhân dân trong toàn huyện ra sức thi đua thực hiện nhiệm vụ mà Trung ương Đảng, Bác Hồ và Huyện uỷ đề ra, tờ báo đã được chuyển tới tay Bác Hồ, Người đọc và tỏ lời khen ngợi. Công tác tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ cách mạng ngày càng được mở rộng, Đảng bộ huyện đã phát động phong trào kháng chiến với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, vì vậy phong trào du kích phát triển mạnh mẽ, hình thành những đội quân "quyết tử" như ở xã Quang Trung và nhiều nơi khác; đội Du kích Núi Voi với lời thề bất hủ :

"Đứng trên đỉnh núi ta thề

Không giết hết giặc không về Núi Voi"

Đó là biểu thị ý chí quật cường, quyết tâm kháng chiến thắng lợi, biểu thị tinh thần yêu nước, yêu quê hương, khát khao được sống trong hoà bình, tự do hạnh phúc của nhân dân An Lão.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện quân và dân An Lão chiến đấu với tinh thần bền bỉ, mưu trí dũng cảm quyết đánh và quyết thắng. Khi bị bao vây, bị địch bắt "thà chết quyết không đầu hàng giặc"… đã phá tan nhiều cuộc càn quét, tàn phá của địch, mà tiêu biểu là cuộc chiến đấu chống càn liên tục 19 giờ đồng hồ ngày 21 tháng 4 năm 1953  tại làng Đại Điền xã Tân Viên, trận càn với qui mô lớn, có kết hợp các lực lượng thuỷ, bộ, không quân của giặc. Kết quả ta đã tiêu diệt 250 tên địch (đa số là lính Âu Phi), trong đó có một tên quan năm, một đại uý, hai trung uý, hai thiếu uý và thu 3 súng trung liên, 8 tiểu liên, một súng ngắn cùng nhiều đạn dược khác. Chiến thắng ở Đại Điền đã phá tan được âm mưu chiến lược bình định của địch. Ba trăm ngày cuối cùng của thực dân Pháp ở An Lão là ba trăm ngày giằng co quyết liệt nhất giữa quân và dân trong huyện với bọn thực dân phong kiến, cùng với thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên  Phủ buộc Pháp phải kí hiệp định Giơ - ne - vơ năm 1954, kết thúc 9 năm kháng chiến vô cùng gian khổ và anh dũng của dân tộc ta, chấm dứt sự thống trị gần 100 năm của thực dân Pháp ở nước ta.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng bộ huyện An Lão biết nắm vững thời cơ, đã thổi bùng ngọn lửa truyền thống yêu nước của quân và dân trong huyện kết thành chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược của Đảng bộ quân và dân huyện nhà. Có thể khẳng định rằng: Qua khó khăn, thử thách được rèn luyện nhiều thì Đảng bộ ngày càng lớn mạnh, ngày càng đúc kết được những kinh nghiệm quý báu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện mọi nhiệm vụ.

                                                                                                 Còn nữa

                                                                                          BT: Nguyễn Hải

 

Ý kiến bạn đọc (0)