Chùa Linh Sơn dấu ấn lịch sử văn hoá

08-09-2016 1284

(Đài An Lão) Chùa Nứa có tên chữ là “ Linh Sơn Tự” thuộc thôn Áng Sơn xã Thái Sơn được xây dựng trên sườn núi Vua trong lòng thung lũng hẹp, lưng chùa dựa vào núi, mặt trước chùa quay hướng tây nam nhìn xuống xóm làng, xa xa là dòng sông Đa Độ trong xanh lững lờ với đôi bờ dạt dào sóng lúa. Dưới con mắt phong thuỷ , chùa Linh Sơn toạ lạc trên khu đất mang thế “ Tay ngai” là nơi địa linh hiếm thấy. nằm ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ, cây ăn quả lâu đời đã tạo cho chùa có một phong cảnh sơn thuỷ hữu tình vào hàng nhất nhì của huyện An Lão. 

        Chùa Linh Sơn được xây dựng từ bao giờ? đến nay vẫn chưa có tài liệu nào chỉ rõ, nhưng căn cứ vào chiếc bia đá còn lưu lại của chùa Linh Sơn mang niên hiệu Diên Thành vạn vạn niên đời Mạc Mậu Hợp ( 1562 – 1592) Diên Thành là niên hiệu thứ 3 của ông vua nhà Mạc , dựa vào dữ liệu này các nhà nghiên cứu đánh giá chùa Linh Sơn đã được trước thế kỷ 16 do hư hỏng nên vào năm 1578 chùa đã được tu sửa. Bia được dựng vào năm di tích thứ 6 ( 1583) , khắc 3 mặt cao 1,4 mét rộng 0,29 mét về trang trí, trán bia chạm mặt trời hoa mai mỗi bên có 5 tia sáng mảnh nhọn, diềm chạm hoa cúc dây xung quanh kiểu hoa cách điệu có nhiều móc, diềm đế chạm hoa sen cánh thon mũi nhọn uốn ở vai như dáng một chiếc lá đề. Nội dung văn bia ghi lại Thái Hoàng Thái Hậu và Khiêm Thái Vương cùng một số người cúng ruộng Tam Bảo và trùng tu chùa vào tháng 8 năm Tân Tý (1583), bia ghi rõ kết quả sau khi chùa Linh Sơn được trùng tu “ Quy mô nề nếp, to lớn hơn trước cột xà lộng lẫy, Phúc đức hơn xưa …” về văn bản học đây là một tài liệu cực quý là 1 bản thuyết minh cụ thể cho quá trình tôn tạo chùa, một tư liệu quý có giá trị giúp đỡ đắc lực cho các nhà khảo cổ xác định niên đại tuyệt đối cho di tích, ngoài ra nó còn có giá trị đóng góp , bổ xung làm phong phú kho tư các di tích nhà Mạc mà hiện đang sưu tầm và nghiên cứu. Bên cạnh tấm bia mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hoá thời nhà Mạc, hiện ở chùa Linh sơn còn lưu giữ được một số pho tượng cổ có giá trị nghệ thuật cao trong đó có 1 pho tượng đức ông và một pho tượng mẫu theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thì 2 pho tượng này được tạc vào khoảng thế kỷ 18 , theo phong cách dòng tượng Đồng Minh Bảo Hà ( vĩnh Bảo). 

Chùa Linh sơn không chỉ là nơi có không gian cảnh thiền đẹp, tĩnh mịch ẩn chứa bên trong nhiều các giá trị lịch sử văn hoá cổ mà còn là một địa chỉ “ đỏ” ghi lại truyền thống cách mạng của nhân dân xã Thái Sơn nói riêng và huyện An Lão nói chung . Trong những ngày sục sôi khí thế chuẩn bị cuộc khởi nghĩa cách mạng Tháng 8 năm 1945 vườn chùa là nơi tập kết vũ khí của lực lượng cách mạng, địa điểm an toàn bố trí hầm bí mật cho cán bộ kháng chiến làm việc, nơi diễn ra sự kiện thành lập chính quyền cách mạng lâm thời của xã Minh Tân ( gồm các thôn Áng Sơn , Lai Thị , Phù Liễn). Trong cuộc kháng chiến chống pháp 9 năm , mặc dù phải chịu sự lùng sục khủng bố khắt khe từ phía địch , Chùa vẫn giữ vững được hầm bí mật bảo vệ cho cơ sở kháng chiến, nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh Kiến An và xã Minh Tân đã từng hoạt động tại đây.

Trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử , biến cố của thời gian đã làm hư hại, thất tán hoặc vùi lấp các công trình kiến trúc, văn hoá nhưng những gì còn lại hôm nay của chùa Linh Sơn là một nhân chứng lịch sử trường tồn với thời gian, ẩn chứa bên trong những giá trị quý báu về văn hoá lịch sử , đó là tiếng nói chân thật của lịch sử , giúp cho chúng ta hiểu thêm quá khứ bi hùng của một dân tộc, một vùng đất, một làng quê. Chùa Linh Sơn được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố là một lần nữa khẳng định những giá trị và vị trí vốn có của nó trong hệ thống Chùa chiền của Hải Phòng .

 

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)