(Đài An Lão) Đã lâu chúng tôi mới có dịp về thôn Bạch Câu (xã Quốc Tuấn). Con đường chính của làng hôm nay thẳng tắp, phẳng lì, thênh thang vững chắc bê tông cứng chạy dài sát đến tận chân đê sông Văn Úc. Những trận mưa rào tháng 7 xối xả qua mau. Chúng tôi thật dễ tìm đến nhà cụ Ninh Văn Chúc, qua sự chỉ dẫn nồng ấm, thân thiện của người dân nơi đây…
Thật đúng là một đảng viên cách mạng trung kiên của Đảng tỏa sáng ở ông từ dáng đi, giọng nói. Khi chúng tôi được ngồi tiếp xúc cận kề bên ông. Năm nay đã ở tuổi 90 nhưng quả thật vẫn đọng lại ở ông sự minh mẫn, tố chất của một lớp người đi trước đã từng vào sinh ra tử từ những ngày cách mạng còn trong trứng nước cách đây 70 năm về trước ở vùng quê yêu dấu này. Ông kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện đầy nhiệt huyết của mình. Ngày xưa ấy làng Bạch Câu nhỏ bé của ông chỉ có 47 nóc nhà. Người dân một cổ hai tròng song vẫn nồng nàn lòng yêu nước, căm thù giặc. Mùa thu khởi nghĩa năm 1945 của dân tộc ta như cơn bão táp to lớn đã xóa đi chế độ thực dân phong kiến. Chính quyền cách mạng về tay nhân dân. Khi ấy khi nghe tin Việt Minh ở các nơi nổi dậy, nghe tin tổng khởi nghĩa liên tiếp diễn ra ông thật háo hức, phấn chấn. Thế rồi ông tìm đến chùa Nghè Đâu Kiên, lên tận núi Voi – Kiến An nghe cán bộ diễn thuyết về cách mạng, về nông dân không còn áp bức, về cụ Hồ Chí Minh, lúc bấy giờ ông càng nhận ra con đường cách mạng tài tình của Đảng…Trở về làng quê ông không do dự ngày ngày cùng nhiều thanh niên khác lên xã tập luyện. Thế và tháng 2/1946 ông chính thức được đứng trong đội ngũ Đại đội quyết tử của xã. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ cả dân tộc ta lại bước vào cuộc trường kỳ cách mạng đầy hy sinh thử thách cam go quyết liệt. Trung đội quyết tử của ông khi ấy lấy chùa Bạch Câu làm điểm căn cứ ăn, ở tập trung, luyện tập, canh gác tàu địch vào ra sông Văn Úc, người lạ mặt vào làng, theo dõi phát hiện báo cho chỉ huy cấp trên những diễn biến xảy ra. Những dân quân tự vệ du kích như ông còn canh gác bảo vệ cho dân quân, người dân cắm rào trên sông, ngăn cản tàu chiến địch. Rào làng kháng chiến, làm đường, đào hào, chống xe tăng địch trên đường quốc lộ số 10…Giai đoạn 1948 -1949 đội quyết tử địa phương chống đỡ, chiến đấu nhiều trận quyết liệt với địch. Vũ khí thì thô sơ nhưng tinh thần dũng cảm được đánh đổi bằng ý chí cao nhất. Nhiều đồng chí, đồng đội đã hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương. Song vẫn son sắt một niềm tin cách mạng, không cam chịu khuất phục trước kẻ thù. Câu chuyện về những chiến sĩ quyết tử của ông cứ cuốn hút chúng tôi về một thế hệ cha ông đầy kiên trung, quả cảm. Và sau đó tình thế thiếu cân sức giữa ta và địch. Tình hình kháng chiến địa phương đổi khác. Lực lượng Việt Minh, cách mạng của ta phải tỏa ra các vùng tự do như: Vĩnh Bảo, Tứ Kỳ hoạt động. Năm 1948, ông được bổ sung vào Ban chấp hành Hội nông dân cứu quốc của xã. Năm 1949, lực lượng cách mạng tiếp tục được củng cố trở về hồi cư gây dựng tiếp phong trào kháng chiến. Tích cực liên hệ với nhân dân, tạo cơ sở hoạt động. Qua khó khăn, hy sinh thử thách, tháng 2/1949 ông chính thức được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Buổi kết nạp thật thiêng liêng, bí mật, mau lẹ tại Vĩnh Bảo lúc bấy giờ. Với ông khi đó là chấp hành phân công của tổ chức và trách nhiệm của Đảng viên phải hoàn thành nhiệm vụ là cao nhất. Và hôm ấy, tháng 11/1950 ông từ vùng kháng chiến của ta sang Thanh Hà dự họp bàn công việc. Trên đường đi đã bị địch bắt ngay ban ngày tại khu bãi Tú Y – Huyện Thanh Hà. Gần 3 tháng trời ở nhà tù từ phòng nhì đến Căng Máy Chai (Hải Phòng) ông đã phải trải qua những cuộc gọi hỏi, tra khảo đầy căng thẳng, thử thách. Kẻ địch dùng mọi biện pháp dã tâm tra tấn hòng uy hiếp lung lay như: Đòn treo, dí điện, ngâm vào thùng nước hạt tiêu. Bản thân ông cũng bị rụng răng bởi báng súng nhà giam đánh đập vào hàm. Ý chí cách mạng kiên trung ở ông và bao đồng chí, đồng đội vẫn vững vàng trong những ngày hầm tối nhà lao. Và tinh thần mưu trí đến cao độ hôm đó ông đã cùng 6 đồng chí trốn thoát mau lẹ ra khỏi nhà tù. Để rồi tiếp tục trở về Kinh Điền, Đại Điền tìm, liên lạc bắt nhân mối với cơ sở kháng chiến cũ tiếp tục hoạt động cho đến ngày kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Hòa bình lập lại ông tiếp tục công tác tại ngành thông tin bưu điện An Lão – Kiến Thụy – Kiến An. Bản chất cách mạng “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” ở ông được giữ gìn, phát huy cho đến tận lúc về nghỉ chế độ và đến tận hôm nay.
Có tới 45 năm bằng ½ cuộc đời dài đi theo Đảng, làm cách mạng. Trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào ở cụ Ninh Văn Chúc cũng luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt về trách nhiệm tận tâm, tận lực, vì lòng tin với Đảng với nhân dân. Giữ gìn bản chất đạo đức cách mạng quần chúng trong sạch thanh liêm. Và dưới căn nhà đầm ấm sạch sẽ gọn gàng trên nền đất tổ tiên nhiều đời hôm nay cụ luôn thanh thản, tự tin vào thế hệ hôm qua, hôm nay. Cụ bộc bạch chia sẻ với chúng tôi: “Những tấm huân chương, huy chương kháng chiến hạng nhất, kỷ niệm chương bị địch bắt tù đày, huy hiệu 65 năm tuổi Đảng… mà Đảng và Nhà nước trao tặng thật quý giá đáng trân trọng tự hào với tôi. Còn với tôi cứ mãi mãi trọn một lòng tin với Đảng…”. Với chúng ta hôm nay và mai sau thật sáng mãi hình ảnh chân dung lớp cha ông những người tô thắm đội ngũ cán bộ Đảng viên Đảng bộ An Lão đáng kính trọng noi theo.
Vũ Hợp