Tô thắm truyền thống anh hùng

08-09-2016 1442

(Đài An Lão) Là địa chỉ đỏ, cái nôi của cách mạng huyện An Lão trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Gần 70  năm đồng hành cùng đảng bộ huyện An Lão trong công cuộc bảo vệ, dựng xây kiến thiết quê hương. Từ gian khó đi lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quang Hưng luôn đoàn kết, một lòng đi theo đảng, theo cách mạng, lập lên nhiều chiến công hiển hách, vang dội, tô thắm thêm truyền thống anh hùng của quê hương Núi Voi bất khuất kiên cường, xứng đáng với danh hiệu xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.  

Còn nhớ, trước Cách mạng Tháng 8-1945, xã Quang Hưng thuộc tổng Câu Thượng, huyện An Lão, tỉnh Kiến An, một vùng quê có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống yêu nước. Nơi đây ghi nhận sự kiện lịch sử quan trọng khi đầu năm 1930, cờ đỏ búa liềm xuất hiện tại điếm Cháy Câu Trung và cây đa gù Câu Thượng, đúng vào dịp Đảng cộng sản Việt Nam ra đời. Đến năm 1944, phong trào Việt Minh phát triển mạnh mẽ, lan rộng khắp cả nước, cũng là lúc thực dân Pháp, phát xít Nhật thẳng tay đàn áp nhân dân, một nhóm thanh niên yêu nước làng Câu Trung gồm đồng chí Quốc Hiệu (tức Nguyễn Văn Phu), Phan Hiền (tức Nguyễn Văn Hán) thông qua thầy giáo Phạm Văn Thân đã chủ động tìm gặp cán bộ Việt Minh tỉnh Hải Dương. Sau đó, nhóm Việt Minh Câu Trung được thành lập, có nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng ở Câu Trung, sau nửa năm hoạt động đã phát triển cơ sở ở nhiều làng, tổng trong huyện An Lão.

Khi lực lượng đã mở rộng, Ban lãnh đạo Việt Minh huyện An Lão được thành lập do đồng chí Quốc Hiệu và Phan Hiền phụ trách, lấy Câu Trung làm căn cứ để chỉ đạo mọi hoạt động. Từ đó, Câu Trung trở thành căn cứ cách mạng quan trọng của lực lượng Việt Minh huyện An Lão và là trung tâm của phong trào cách mạng ở An Lão- Kiến An, là nơi quy tụ lực lượng cách mạng trong toàn huyện, tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng 8-1945 ở tỉnh Kiến An.

Sau cách mạng Tháng 8-1945, tổng Câu Thượng được đổi thành xã Quang Trung. Địa phương bắt tay vào xây dựng, củng cố chính quyền, phát triển kinh tế ổn định đời sống nhân dân. Đồng thời xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 20-6-1946, thực dân Pháp quay lại đánh chiếm Hải Phòng. Để ngăn chặn bước tiến của địch, chính quyền và nhân dân trong xã thực hiện lệnh “Tiêu thổ kháng chiến”, tự tay tháo dỡ hàng trăm ngôi nhà lớn; đào phá hơn 4km đường 10; đắp hàng trăm ụ đấy; chặt hàng vạn cây lập làng chiến đấu từ cầu Đá (Câu Trung) đến đầu làng Quang Khải, cắm kè ngăn sông Đa Độ.

Để lãnh đạo công cuộc kháng chiến ở địa phương, ngày 12-3-1948, chi bộ Đảng CSVN xã Quang Trung được thành lập với 7 đảng viên, do đồng chí Nguyễn Thế Phong làm bí thư. Trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến lâu dài, khó khăn, quyết liệt, chi bộ xã giữ vững ý chí chiến đấu, kiên trì bám đất, bám dân, duy trì và phát triển phong trào triến tranh du kích ngay trong lòng địch, lập nhiều chiến công. Tiêu biểu là trận đánh mìn trên đường 10 ngày 21-11-1948, du kích xã phối hợp bộ đội địa phương đánh lật nhào 1 xe chở quân khí của địch, diệt 24 tên, phá hủy 1 súng tiểu liên, thu 23 khẩu súng trường và hơn 1 tấn lương thực, thực phẩm. Toàn xã có 111 gia đình đào hàng trăm hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, đảng viên.

Hòa bình lập lại, tháng 5-1956, Chính phủ ra quyết định tách xã Quang Trung thành 2 xã: Quang Hưng và Quang Trung. Từ khi tách xã, Quang Hưng tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ qua các thời kỳ, ổn định và phát triển. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quang Hưng thực hiện khẩu hiệu “thóc thừa cân, quân thừa người”, là một trong những xã điển hình, dẫn đầu huyện và thành phố về công tác tuyển quân, với 325 chiến sĩ lên đường nhập ngũ đi các chiến trường, người ở nhà thi đua sản xuất, góp lương thực cho tiền tuyến. Với những thành tích xuất sắc trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhiều tập thể, cá nhân của xã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại, trong đó cán bộ và nhân dân xã Quang Hưng được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất và 7 người được phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.

Những năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền xã Quang Hưng luôn nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu, phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, tập trung lãnh đạo, đồng sức, đồng lòng xây dựng quê hương giàu mạnh. Từ một địa phương thuần nông độc canh cây lúa, bằng nhiều chương trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp, Đảng bộ xã Quang Hưng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, từng bước quy hoạch, chuyển đổi vùng sản xuất hiệu quả thấp sang vùng sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Năng suất lúa bình quân đạt hơn 120 tạ/ha/năm; tổng sản lượng trên 3000 tấn. thu nhập bình quân đạt hơn 26 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,8%; tỷ lệ hộ dân được dùng nước sạch đạt 99%. Bộ mặt nông thôn mới địa phương  khởi sắc, cơ sở hạ tầng nông thôn đư­ợc đầu tư­ xây dựng. Hầu hết các tuyến đường liên thôn, đường giao thông được trải nhựa, bê tông hóa, các trường học đều xây dựng nhiều tầng, cơ sở vật chất các nhà trường từng bước được cải thiện.

Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân và tiếp tục nhân lên những thành tích xuất sắc mới, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Quang Hưng quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên các lĩnh vực, xây dựng địa phương giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng- an ninh, có nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện./.

                                                                                                      Thu Hà

 

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)