Đảng bộ huyện An Lão 70 năm một chặng đường Phần III: Vừa sản xuất, vừa chiến đấu góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược giải phóng miền nam thống nhất đất nước.

08-09-2016 1345

Tháng 1/1955 Huyện uỷ họp phiên mở rộng phổ biến nhiệm vụ cách mạng mới, điều tra nắm bắt tình hình, mở lớp bồi dưỡng cán bộ tiếp quản. Ngày 8/5/1955 đông đảo nhân dân An Lão tưng bừng phấn khởi đến dự buổi ra mắt của chính quyền huyện. Chính quyền mới ra đời toàn dân phấn khởi. Song, do sự cai trị hà khắc và bóc lột tàn nhẫn của bọn thực dân phong kiến để lại hậu quả rất nặng nề: nền kinh tế bị đình đốn nghiêm trọng, sản xuất nông nghiệp của huyện còn rất lạc hậu, lại thêm thường xuyên bị bão lũ, hạn hán đe doạ gây mất mùa liên tiếp xảy ra, hàng vạn nông dân sống trong cảnh đói khổ, nghèo nàn, bệnh tất và các tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại hoành hành, trên 90% nhân dân  mù chữ. Quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng và những chính sách mới của Nhà nước, Huyện uỷ đã đề ra những biện pháp cấp bách để khăc phục tình hình trên, đồng thời triển khai cải cách ruộng đất và phát động thi đua đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ, Huyện uỷ triển khai phong trào:"Tăng gia sản xuất, tấc đất tấc vàng", mở rộng phong trào bình dân học vụ, xoá nạn mù chữ. Chỉ đạo nhiệm vụ khai hoang, phục hoá. xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, tiến hành cải tạo và xây dựng CNXH, đấu tranh thống nhất nước nhà. Sau 10 năm vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa khôi phục phát triẻn kinh tế, cải tạo và thiết lập quan hệ sản xuất mới, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân trong huyện nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách giành được kết quả bước đầu có ý nghĩa quan trọng: sản xuất nông nghiệp được quan tâm, kinh tế phát triển, văn hoá xã hội tiến bộ, trật tự an ninh, an toàn xã hội được đảm bảo, các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân được xây dựng và củng cố đi vào hoạt động có hiệu quả. Nhiều phong trào thi đua diễn ra sôi nổi, rộng khắp ở các xã trong huyện, nhiều đơn vị điển hình tiên tiến xuất sắc được hình thành như: HTX An Thắng với phong trào cơ khí hoá toàn xã là đơn vị dẫn đầu tỉnh Kiến an, xã Tân Dân, xã An Tiến được Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc về thành tích xoá mù chữ…

Sau sự kiện Vịnh Băc Bộ 05/8/1964 đế qúôc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc nước ta. Thành phố Hải Phòng và huyện An Lão có vị trí chiến lược về kinh tế, qúôc phòng quan trọng, do đó là một trong những mục tiêu huỷ diệt của đế quốc Mỹ. Cùng với quân dân thành phố cảng, Đảng bộ quân và dân trong huyện xác định quyết tâm" Dù bất kì trong tình huống nào cũng phải làm tốt nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu " trong khó khăn thiếu thốn bộn bề, sự hy sinh mất mát đến với từng gia đình … Song không gì ngăn cản được tinh thần :"Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", tất cả vì chân lý :"Không có gì quý hơn độc lập tự do!".Nhân dân An Lão vừa sản xuất phát triển kinh tế, vừa chiến đấu tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Xây dựng hậu phương vững chắc, chi viện sức người , sức của cho đồng bào miền Nam ruột thịt với tinh thần :" Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" để góp phần mau chóng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Mặt khác, nhận thức rõ trách nhiệm là hậu phương trực tiếp, hậu cứ an toàn của thành phố, Đảng bộ và nhân dân An Lão đã tổ chức tiếp nhận, chở che, bảo vệ các cơ quan, đơn vị và nhân dân nội thành về sơ tán. Hang Thành uỷ ở Núi Voi là  nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ II và nay vẫn là một trong nhiều điểm di tích lịch sử của danh thắng Núi Voi. Các trận địa phòng không trên địa bàn huyện được xây dựng, tổ chức đánh địch nhiều trận, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Trung đội nữ dân quân Núi Voi bằng súng trường đã bắn rơi một máy bay A4 của  Mỹ được Bác Hồ và Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam khen thưởng. Trung đội dân quân xã Trường Sơn bằng súng trường cũng bắn rơi một máy bay A6 của Mỹ, góp phần cùng thành phố bắn rơi 62 máy bay Mỹ. Trung đội Công binh của huyện đã chủ động rà phá trên 1500 quả bom lớn, nhỏ trên các tuyến giao thông thuỷ, bộ, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, vừa chiến đấu tại chỗ, vừa chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến góp phần giải phóng miền Nam.

Ngày 4/4/1969 Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra Quyết định hợp nhất giữa huyện Kiến Thuỵ - huyện An Lão và đổi tên thành huyện An Thuỵ. Trong điều kiện của Hải Phòng nói chung và của An Thuỵ nói riêng đều phải chịu hậu quả của cuộc chiến tranh tàn khốc do đế quốc Mỹ gây ra. Trước yêu cầu mới, Đảng bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời giải quyết những khó khăn, làm tốt công tác tư tưởng, ổn định tổ chức bộ máy cán bộ đồng thời đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế, tiếp tục chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ góp phần cùng nhân dân cả nước làm lên chiến thắng lịch sử vĩ đại nhất của dân tộc 30/4/1975 . Miền năm hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, đồng bào Nam Bắc sum họp một nhà, cả nước cùng đi lên xây dựng CNXH. Đảng bộ và nhân dân An Thuỵ tăng thêm phấn khởi, tiếp tục bắt tay vào công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp.

                                                                                                   Còn nữa

                                                                                             BT: Nguyễn Hải

 

Ý kiến bạn đọc (0)