Đảng bộ huyện An Lão 70 năm một chặng đường Phần IV: Đẩy mạnh phát triển kinh tế, thực hiện công cuộc đổi mới (1988 – 2010 )

08-09-2016 1428

Ngày 05/3/1980. Hội đồng bộ trưởng ra Quyết địnhh số 71 về điều chỉnh địa giới hành chính huyện An Thuỵ, thị xã Kiến An và thị xã Đồ Sơn. Theo đó An Lão sát nhập với thị xã Kiến An và đổi thê thành huyện Kiến An. Trong điều kiện mới Đảng bộ và nhân dân trong huyện ra sức khắc phục khó khăn tiếp tục ổn định tổ chức bộ máy cán bộ, xây dựng cơ sở vật chất, dồn sức để phát triển kinh tế. Đặc biệt Đảng bộ huyện Kiến An đã tập trung lãnh đạo, thực hiện tốt cơ chế khoán sản phẩm trong nông nghiệp theo Nghị quyết 24 của Thành uỷ, các xã Trường Sơn, Trường Thành, Mỹ Đức làm điểm của thành phố đã đạt được những kết quả rất tốt về phát triển kinh tế nông nghiệp và đẩy mạnh các hoạt động văn hoá xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, củng cố xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể và các tổ chức kinh tế xã hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng huyện trong thời kỳ mới.

Đất nước trên đường đổi mới, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, ngày 6/6/1988, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 100 về việc phân vạch địa giới hành chính đổi tên huyện Kiến An thành huyện An Lão. Ngày 8/8/1988, Hội nghị cán bộ huyện An Lão họp lần thứ nhất công bố Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng và huyện An Lão được tái lập sau 19 năm chia tách, sát nhập. Nhân dân An Lão vui mừng chào đón như một ngày hội lớn của quê hương. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh cực kì khó khăn, trung tâm huyện lỵ bị bom đạn Mỹ tàn phá nặng nề, cơ sở vật chất và điều kiện làm việc quá thiếu thốn, lại trong hoàn cảnh đất nước đang ở thời kỳ chuyển đổi cơ chế từ tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Song với tinh thần của quê hương giàu truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng, nhân dân một lòng tin yêu đi theo Đảng. Được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, của các sở, ban ngành, đoàn thể và các đơn vị quận, huyện, thị trong thành phố. Đảng bộ quân và dân toàn huyện đã nỗ lực khắc phục khó khăn, kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp và những bài học quý báu rút ra trong hai cuộc kháng chiến đề tiến hành công cuộc xây dựng quê hương, đổi mới đất nước với tinh thần "vượt dốc thời gian", huy động cao độ mọi tiềm năng, mọi nguồn lực đầu tư xây dựng huyện phát triển.

23 năm qua, kể từ khi tái lập, qua 6 kì Đại hội, Đảng bộ quân và dân trong huyện luôn luôn quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Đảng, thực hiện công cuộc đổi mới, chủ động khắc phục khó khăn, phát huy mọi tiềm năng lợi thế, tích cực đổi mới và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng do vậy đã giành được những thắng lợi khá toàn diện trên các mặt công tác, hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của huyện trong những năm tiếp theo.

Trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế xã hội An Lão đã trải qua những thời kì đáng ghi nhớ: Thời kì khôi phục kinh tế sau chiến tranh; thời kì vừa chống chiến tranh phá hoại, chi viện cho tiền tuyến vừa xây dựng CNXH; thời kì xây dựng, củng cố, cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp và thời kì 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Mỗi thời kỳ với bao gian lan vất vả, với những trăn trở, năng động, sáng tạo để vượt lên, An Lão đều giành được những kết quả, những thành tựu quan trọng. Kinh tế có bước phát triển với nhịp độ tăng trưởng khá. Từ vùng đất độc canh cây lúa, luôn chịu cảnh "chiêm khê, mùa thối", trở thành địa phương có nền kinh tế đa dạng, phong phú, phát triển được tiềm năng, lợi thế địa phương để xây dựng nông thôn mới. Trên bước đường thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn, Đảng bộ và nhân dân An Lão xác định, nhiệm vụ, quyết tâm chuyển dịch nhanh kinh tế nông nghiệp nông thôn. Đường quốc lộ số 10 qua trên địa bàn huyện và những cây cầu Trạm Bạc, Tiên Cựu vươn xa nối liền với các tỉnh duyên hải Bắc bộ tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế An Lão phát triển, tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ. An Lão coi phát triển các khu công nghiệp là một trong những khâu đột phá để phá thế độc canh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất. Khu công nghiệp An Tràng - Trường sơn, khu công nghiệp phía Bắc thị trấn An Lão đã có trên 70 doanh nghiệp, thu hút hàng vạn lao động có việc làm ( trong đó có hơn 1 vạn lao động của địa phương). Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp cùng với các vùng lúa được đầu tư thâm canh cao, đưa năng suất trên 12 tấn/ha/năm, An Lão tích cực mở rộng và tạo thêm nhiều vùng chuyên canh, đa canh như vùng rau cao cấp ở Mĩ Đức, An Thọ; vùng cây công nghiệp, cây cảnh Chiến Thắng; vùng cây ăn quả Bát Trang, Quang Hưng, Trường Thọ … Bên cạnh đó là các vùng, điểm chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản tập trung, nông dân An Lão đã tiếp cận nhanh với khoa học kĩ thuật, nắm bắt kịp thời nhu cầu thị trường để sản xuất, tạo ra hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích. Các mô hình trang trại, gia trại, nông trại, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ… ngày càng làm ra nhiều sản phẩm, hàng hoá. Không khí phát triển kinh tế của An Lão những năm gần đây hết sức sôi động. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tính từ từ khi tái lập huyện (1988) đến nay đạt bình quân trên 14%/năm; cơ cấu kinh tế năm 2010 tỉ trọng nông nghiệp chỉ còn 27.72% ; công nghiệp – xây dựng, tiểu thủ công nghiệp tăng lên 49,44%; dịch vụ 22,84%.

Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế, các cấp uỷ Đảng, chính quyền An Lão luôn luôn bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không ngừng nâng cao đời sống văn hoá, nền tảng tinh thần để phát triển bền vững. Phát huy truyền thống hiếu học, quê hương của trạng nguyên Trần Tất Văn, sự nghiệp "trồng người", phong trào xã hội hoá giáo dục cùng với quyết tâm xây dựng trường chuẩn quốc gia, phổ cập giáo dục trung học và nghề được đặc biệt quan tâm. 2001 An Lão đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 17/17 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% số làng được phát động xây dựng làng văn hoá ( trong đó có 71 đơn vị đạt danh hiệu làng văn hoá, 10 đơn vị được tặng bằng khen của thành phố, 1đơn vị được tặng bằng khen của trung ương). Chương trình xoá đói, giảm nghèo, xoá nhà tranh vách đất - ý Đảng hợp với lòng dân được thực hiện có hiệu quả cao, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vận động quần chúng được Đảng bộ dầy công chăm lo, vun đắp làm cho tổ chức Đảng không ngừng lớn mạnh, nâng cao vai trò và năng lực lãnh đạo, các cấp chính quyền thực thi công việc quản lý nhà nước có hiệu lực và hiệu quả, các tầng lớp nhân dân phát huy dân chủ, đoàn kết, ra sức lao động, sáng tạo, xây dựng quê hương. Hơn nửa thế kỉ qua, sự lớn mạnh của Đảng bộ không chỉ ở số lượng, từ 3 đảng viên nay lên đến hơn 5.314 đảng viên, từ 1 chi bộ lên đến 224 chi bộ Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên với phẩm chất và năng lực ngày một được nâng lên xứng đáng với vị trí, nhiệm vụ được giao . Kỳ phân loại tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên năm 2010 vừa qua đã phản ánh khá rõ điều đó; Đảng bộ có 172/224 chi bộ Đảng đạt trong sạch, vững mạnh; 3485/5.314 đảng viên được đánh giá đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 1005 đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đại hội Đảng bộ huyện An Lão lần thứ VI đã thể hiện ý chí quyết tâm đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, xây dựng An Lão sớm là huyện giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh, đẹp về con người và cảnh quan với quan điểm phát triển kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, lấy chất lượng hiệu quả là tiêu chuấn hàng đầu trong quá trình xây dựng và phát triển huyện. Nghị quyết Đại hội đã lượng hoá ý chí đó bằng những con số cô đọng và hấp dẫn; tăng trưởng bình quân  15 - 16%, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng từ 18 - 19 %/ năm; tỉ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 50%; nông nghiệp chiếm 23%; dịch vụ chiếm 27% ; Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 28 triệu đồng/ người/ năm… Để đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, tiếp tục xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp...

Do có sự phấn đấu nỗ lực của Đảng bộ, quân và dân trong huyện đã đạt được những thành tích cao trên các lĩnh vực, huyện An Lão đã được Đảng và Nhà nước trao tặng các phần thưởng cao quý: Một Huân chương kháng chiến hạng nhì; hai Huân chương quân công hạng nhì và hạng ba; một Huân chương lao động hạng nhì và hạng ba; xã Quang Trung được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng nhì, xã Tân Viên được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng nhất và danh hiệu đơn vị anh hùng lực lượng đấu tranh nhân dân và hàng chục đơn vị, tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân chương lao động các hạng nhất, nhì ba. Đặc biệt, ngày 08/11/2000 nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện An Lão vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

                                                                                           Còn nữa

                                                                                                  BT: Nguyễn Hải

Ý kiến bạn đọc (0)