Huyện An Lão:Phát huy các nguồn lực, lợi thế cho đầu tư, phát triển kinh tế

12-07-2018 1168

 (Đài An Lão) Là huyện ven đô, vành đai phòng thủ trọng yếu phía Tây Nam của thành phố Hải Phòng, An Lão có tiềm năng dồi dào về quỹ đất và nguồn lao động, có vị trí quan trọng về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của thành phố và vùng Duyên Hải Bắc Bộ. Thực hiện đường lối đối mới của Đảng, nhất là Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị, trong những năm qua, huyện An Lão đã tập trung phát huy các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Huyện An Lão được tái lập vào ngày 8/8/1988. Với hướng đi chủ động, sáng tạo, sau hơn 30 năm phát triển, kinh tế của huyện duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Ðể gia tăng hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội An Lão tập trung phát huy tốt tiềm năng đất đai, nguồn lực con người, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, huy động tối đa nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT - XH, phục vụ sản xuất. Nỗ lực này cùng với việc khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh trong nhân dân đã giúp An Lão hoàn thành nhiều chương trình phát triển KT - XH ở địa phương.

Trong những năm qua, Huyện đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp nhằm huy động vốn đầu tư cho việc xây dựng, phát triển huyện trên các lĩnh vực. Trong những năm qua, huyện đã huy động hàng nghìn tỷ đồng cho đầu tư, phát triển. Về tài nguyên, An Lão có diện tích đất là 11.458 ha, phần lớn là đất nông nghiệp canh tác lúa. Có nguồn tài nguyên nước dồi dào, với 3 con sông chính của thành phố qua địa bàn: sông Đa Độ cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt cho các quận nội thành và huyện An Lão, Kiến Thụy, Sông Lạch tray và sông Văn Úc bao quanh huyện cung cấp nước tưới, tiêu đồng thời là hệ thống giao thông thủy nội địa nối An Lão với các tỉnh vùng Duyên Hải Bắc bộ. Ngoài ra, An Lão có các mỏ đất sét tại xã An Tiến, Thái Sơn; mỏ đá vôi tại xã An Thắng, mỏ cát tại Bát Trang, Tân Viên… Trong những năm qua, Huyện đã khai thác có hiệu quả quỹ đất và các tài nguyên thiên nhiên để phát triển nông nghiệp, công nghiệp và một số ngành dịch vụ tại các xã, thị trấn thu hút hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chất lượng nguồn nhân lực ngày càng nâng cao, với 4 trường THPT, 36 trường TH và THCS, 1 Trung tâm dạy nghề- GDTX; từ năm 2008 đến nay đã đào tạo trên 85% dân số từ 18-21 tuổi có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng nghề. Hàng năm, có hàng trăm sinh viên là con em An Lão tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc, hàng ngàn lao động qua đào tạo và lao động nông nghiệp chuyển sang lao động công nghiệp, dịch vụ. Công tác đào tạo nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn được quan tâm. Cơ cấu lao động của huyện đang từng bước chuyển dịch đúng hướng. Năm 2003, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề mới đạt 35,8%, đến nay đã đạt 65%. Trong lĩnh vực giao thông, Huyện đã  khai thác có hiệu quản 2 tuyến đường thủy là tuyến phía Bắc: An Lão nối với Quảng Ninh- Hải Dương- Hà Nội và  Tuyến phía Nam: An Lão nối với Hà Nội - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình. Đường bộ có Quốc lộ 10 đoạn qua huyện dài 8,5 km, đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đoạn qua huyện dài 13,6 km, Tỉnh lộ 353, 360, 362 và hàng chục tuyến đường phố, đường nông thôn với tổng chiều dài gần 180 km phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Năm 2005, Huyện đã có 2 tuyến xe buýt công cộng của thành phố qua địa bàn, nối An Lão với các quận nội thành và các huyện Tiên lãng, Vĩnh Bảo và An Dương. Với những lợi thế về giao thông thủy, bộ, huyện đã phát triển được 2 cụm công nghiệp tại thị trấn An Lão và Trường sơn, với trên 200 doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất; giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động địa phương.

Phát huy tiềm năng, lợi thế, huy động các nguồn lực cho đầu tư, phát triển, trong những năm qua huyện An Lão đã thực sự thay da đổi thịt từng ngày. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Công nghiệp, dịch vụ phát triển nhanh. Nông nghiệp nông thôn đã cơ bản được cơ giới hóa, hiện đại hóa, sản xuất theo hướng hàng hóa, hình thành mới được 30 vùng sản xuất tập trung, phát triển thêm 150 trang trại, gia trại các loại. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo và đạt được kết quả bước đầu, đã xuất hiện một số mô hình, điển hình tiên tiến trong quá trình triển khai thực hiện, tạo tiền đề thuận lợi cho việc triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo. Công tác Quy hoạch, quản lý quy hoạch và quản lý đô thị có bước chuyển biến đáng kể, huyện đã có quy hoạch phát triển vùng; các xã, trấn đã có quy hoạch không gian, quy hoạch sử dụng đất theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung đẩy mạnh, đến hết năm 2017  bình quân toàn huyện đạt 17,47 tiêu chí/xã, tăng gần 2 tiêu chí/xã so với đầu nhiệm kỳ; Trong đó 08/15 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, huyện phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2019, sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội đề ra. Lĩnh vực Văn hóa-TDTT được quan tâm, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã thu được những kết quả quan trọng; đến năm 2017, đã có 82/84 làng được công nhận đạt danh hiệu làng văn hoá; trên 90% gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Các hoạt động thể dục thể thao phát triển rộng khắp, đáp ứng cơ bản nhu cầu của nhân dân.Quy mô giáo dục-đào tạo ổn định, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên. Cơ sở vật chất được tăng cường; Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia có tiến bộ. Đến nay, toàn huyện đã có 34/59 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân có chuyển biến rõ rệt. Bệnh viện đa khoa huyện đã được nâng cấp lên bệnh viện hạng II; 100% các trạm y tế đã đạt chuẩn quốc gia cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Công tác phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, không có dịch bệnh lớn bùng phát trên địa bàn.Công tác bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm. Đến nay huyện không còn hộ đói, hộ nhà tranh vách đất, hộ nghèo giảm gần 3 lần so với năm 2003. Thu nhập và đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, đến năm 2017 là 38 triệu đồng/năm. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định, không xảy ra đột xuất, bất ngờ, điểm nóng. Công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được tăng cường.

Nhìn về phía trước vẫn còn không ít khó khăn, trở ngại, nhưng với ý chí và sự quyết tâm của các cấp, các ngành và nhân dân trong huyện, thời gian tới chắc chắn sẽ có sự chuyển biến tiến bộ trong khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế của địa phương, nhằm thúc đẩy huyện An Lão không ngừng phát triển để xứng đáng với truyền thống anh hùng của quê hương và đáp ứng sự kỳ vọng và niềm tin của người dân huyện nhà.

                                                                                              Thu Hà


Ý kiến bạn đọc (0)