Cát Tiên nơi đi đầu, điểm sáng xây dựng làng văn hóa ở An Lão

12-07-2018 1929

 (Đài An Lão) Là một trong những làng văn hóa tiêu biểu của huyện An Lão từ năm 1995, nhiều năm qua, làng văn hóa Cát Tiên xã Quang Trung luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, cùng nhau xây dựng nếp sống văn hóa mới...

Dẫn chúng tôi đi dạo một vòng quanh làng, sải bước trên con đường bê tông thoáng đãng, trưởng thôn Trịnh Thị Thấm lộ rõ niềm phấn khởi, tự hào khi nhắc lại “sự kiện” làng văn hóa Cát Tiên đón nhận danh hiệu làng văn hóa vào năm 1995. Đây là làng đầu tiên trong xã và là một trong những làng đầu tiên của thành phố Hải Phòng đi đầu trong phong trào xây dựng làng văn hóa. Bởi để được công nhận danh hiệu làng văn hóa là cả một nỗ lực lớn của cán bộ và nhân dân Cát Tiên.  Xuất phát điểm ban đầu, làng văn hóa Cát Tiên có nhiều phong trào nổi trội hơn các làng trong xã. Với 453 hộ dân và gần 1.400 nhân khẩu, dân làng Cát Tiên luôn đoàn kết gắn bó, chung tay xây dựng quê hương. Thời kỳ đầu bắt tay xây dựng làng văn hóa , Cát Tiên đã phát động nhiều phong trào thi đua. Tiêu biểu như phong trào kè bờ ao, tôn tạo nền đường bằng gạch vỡ.  Mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn mỗi nhân khẩu chỉ đóng góp có 3kg thóc nhưng ai cũng một lòng, chung tay, góp sức cùng nhau cải tạo đường làng. Con em xa quê cũng một lòng hướng về quê hương góp công, góp sức, những mong quê hương ngày một đổi mới. Ông Trịnh Văn Khôi trưởng thôn lúc bấy giờ là người chịu khó, tâm huyết, lăn lội với phong trào địa phương, đứng lên vận động bà con làm những bờ kè đầu tiên trên con đường vào làng. Trước nhu cầu cấp bách của nhân dân, từ năm 2002 đến năm 2006 làng văn hóa Cát Tiên lại phát động làm đường bê tông ngõ xóm. Nhân dân chung sức đồng lòng, chỉ một thời gian ngắn, làng văn hóa Cát Tiên đã hoàn thành 100%  các tuyến đường ngõ xóm, chỗ rộng nhất là 2m, chỗ hẹp là 1,5 m. Rồi đến năm 2015, với những mong mở rộng đường làng, làm cho bộ mặt làng quê đổi mới và phục vụ  nhu cầu đi lại,  nhân dân các xóm lại tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, công sức mở rộng đường làng từ 3 đến 4 m. Đây là một trong những mô hình được huyện mở hội nghị học tập kinh nghiệm làm đường giao thông nông thôn.

Ngoài ra là nhiều phong trào thi đua khác như phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Làng có 1 câu lạc bộ chèo với 20 hội viên do ông Trịnh Văn Ngác làm tổ trưởng, thường xuyên duy trì sinh hoạt, và phục vụ tốt cho làng vào dịp tết hay các ngày lễ hội của làng. Câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh của hội người cao tuổi thường xuyên duy trì hoạt động thu hút từ 50 đến 60 hội viên tham gia. Mới đây nhằm khơi dậy phong trào thể dục thể thao nữ, hội phụ nữ trong làng  ra mắt câu lạc bộ bóng chuyền hơi nữ với 15 thành viên.  Bên cạnh đó còn có Câu lạc bộ bóng chuyền nam, bóng đá mi ni. Phong trào văn hóa văn nghệ thể dục thể thao nơi đây luôn sôi động và tràn đầy khí thế, thể hiện đời sống văn hóa tinh thần phong phú.

Người dân làng văn hóa Cát Tiên luôn trọng nghĩa, trọng  tình, làng duy trì quỹ văn hóa thăm viếng người qua đời, chúc thọ các cụ cao tuổi, tặng quà kỷ niệm cho các cháu khi xây dựng gia đình, tặng quà khích lệ các cháu thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Quỹ văn hóa của làng không nhiều, khoảng 22 triệu đồng/năm, nhưng chứa đựng trong đó là tấm lòng, sự đoàn kết, gắn bó của người dân nơi đây. Với nguồn quỹ xã hội hóa từ 5 đến 7 triệu đồng/năm làng duy trì tốt công tác nhân đạo, từ thiện, thăm hỏi động viên các gia đình không may bị rủi do. Nhờ đó tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt hơn. Riêng dòng họ Trần trong của làng còn duy trì nguồn quỹ thăm hỏi các cụ cao tuổi thể hiện tốt đạo lý uống nước nhớ nguồn. Chú trọng chăm lo cho thế hệ trẻ, nhiều dòng họ trong làng đã xây dựng quỹ khuyến học. Tiêu biểu như họ Trịnh, họ Tạ  với nguồn quỹ từ 10- 50 triệu đồng/năm để trao thưởng cho các cháu đỗ vào các trường cao đẳng, đại học, các cháu đạt giải học sinh giỏi các cấp.

Nhìn lại hành trình  xây dựng làng văn hóa Cát Tiên, trưởng thôn Trịnh Thị Thấm chia sẻ: “ Có được làng văn hóa Cát Tiên như hôm nay bao thế hệ lãnh đạo tâm huyết của làng đã không quản khó khăn, vất vả đi từng nhà, từng ngõ xóm vận động nhân dân, chung tay góp sức, gây dựng phong trào và hơn cả là sự đồng thuận, đoàn kết, gắn bó quyết tâm xây dựng quê hương của người dân”. Nơi đây đã sáng lên nhiều tấm gương gia đình văn hóa tiêu biểu  như gia đình ông Tạ Văn Điệt được công nhận là gia đình văn hóa cấp quốc gia.  

Về Cát Tiên Cát Tiên hôm nay chúng tôi chứng kiến sự  “thay da đổi thịt” từng ngày. Nhiều công trình đang được đầu tư xây dựng khang trang, khẳng định sức vươn lên mạnh mẽ của một làng văn hóa tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới: 100% đường giao xóm nông thôn được bê tông hóa, các công trình như nhà văn hóa thôn, trường học, đình làng, sân cầu lông, bóng chuyền… được nhân nhân đóng góp  hàng nghìn ngày công lao động, trên 10 nghìn mét đất thổ cư và trên 22 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo.

Các lĩnh vực giáo dục, dân số cũng được thực hiện tốt: 100% trẻ em độ tuổi đi học  được đến trường, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đạt tỷ lệ cao. Bên cạnh đó, người dân nghiêm túc thực hiện hương ước, quy ước, chấp hành tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Đến nay, tất cả các đám cưới, đám tang trong làng  đều được tổ chức gọn, tiết kiệm, không phô trương, lãng phí. Làng nhiều năm liền không có trộm cắp, ma túy,  khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao  luôn được giữ vững.  

Nhiều hộ đã mạnh dạn phát triển kinh tế trang trại, gia trại chuyển hướng  sang chăn nuôi gà, lợn, cá, ba ba, chim bồ câu cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần cấy lúa. Tiêu biểu như hộ ông Trần Văn Túy, Dương Đức Sơn với mô hình cải tạo bãi bồi ven sông làm bãi rươi, bãi cáy và nuôi trồng thủy sản, mỗi năm cho thu nhập bình quân khoảng 400 triệu đồng. Mô hình nuôi gà gia công của gia đình ông Trịnh Văn Tốt với quy mô từ 80 – 90 nghìn con mỗi năm cho thu nhập bình quân khoảng 300 triệu đồng/năm. Và nhiều mô hình phát triển kinh tế khác cũng đạt được hiệu quả cao như: mô hình nuôi vịt và thả cá của gia đình ông Nguyễn Văn Hởi. Mô hình trang trại cá giống của gia đình ông Trịnh Văn Tiệp. Mô hình nuôi gà, cá, lợn của gia đình ông Trần Văn Dũng. Thu nhập bình quân đầu người của người dân Cát Tiên khoảng 30 triệu đồng/người/năm. Cuộc sống khấm khá đã tạo điều kiện cho người dân tham gia tích cực hơn vào xây dựng đời sống văn hoá, đặc biệt là các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao. Vào những dịp tết, lễ hội của làng, người dân lại hăng hái luyện tập. Chị Trịnh Thị Thắm, một người dân trong làng cho biết: “Nhờ tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao của làng  nên chị em  không những vui khỏe về tinh thần mà còn thêm gắn bó, đoàn kết với nhau hơn, hăng hái hơn trong các hoạt động đoàn thể khác”. 

Nét đẹp ở Cát Tiên còn được thể hiện ở lệ ăn tất niên vào dịp cuối năm. Người dân trong làng cùng ngồi lại với nhau, ăn bữa cơm thân mật, tình cảm ngày càng thắt chặt hơn, mọi mâu thuẫn, xích mích đều “chín bỏ làm mười” để nhìn thấy nhau lại vui vẻ, ai cũng quan tâm đến nhau, đoàn kết như anh em. Bí thư chi bộ thôn Tạ Văn Gần chia sẻ: Hầu hết mỗi người dân trong xóm đều nhận thức được văn hóa là cái gốc của mỗi con người, là cái nôi đầu tiên và là cội nguồn của tình cảm. Xây dựng và giữ vững danh hiệu làng văn hóa không chỉ đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mỗi cá nhân mà còn tô thắm thêm giá trị truyền thống tốt đẹp trong đời sống cộng đồng dân cư, góp phần tạo nguồn phát triển toàn diện cho xã hội…

 Rời Cát Tiên, nhưng những khuôn mặt rạng rỡ, những tiếng cười rộn ràng của những người nông dân đi làm đồng về, những bước chân khoan thai của các cụ ông cụ bà đi tập thể dục trên những con đường làng rợp bóng cây xanh và những tiếng hò reo sôi nổi trên sân bóng chuyền, sân cầu lông, vẫn in đậm trong tâm trí chúng tôi. Hy vọng thời gian tới, Cát Tiên sẽ ngày một phát triển hơn, văn minh hơn. Làng phấn đấu là làng văn hóa kiễu mẫu, xứng đáng với địa chỉ lá cờ đầu trong xây dựng làng văn hóa của huyện An Lão.

                                                                          Hoàng Yến

 


Ý kiến bạn đọc (0)