Khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch huyện An Lão.

30-12-2013 3102

Huyện An Lão nằm ở phía Tây nam thành phố Hải Phòng, cách trung tâm Thành phố 19 Km; là một vùng quê có bề dầy lịch sử văn hoá lâu đời, có vị trí rất quan trọng về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của thành phố Hải Phòng và vùng Duyên Hải Bắc bộ. An Lão nổi tiếng bởi Khu di tích danh thắng và lịch sử Núi Voi với rất nhiều những hang động đẹp như: Họng Voi, Già Vị, Bạch Tuyết… Nơi đây còn lưu giữ những di chỉ khảo cổ, những di vật lịch sử mang dấu vết người xưa của nền văn hoá Đông Sơn thời các vua Hùng dựng nước. Với địa thế hiểm trở, Núi Voi từ xưa đã gắn liền với lịch sử hưng suy của nhà Mạc; đây là một vùng du lịch đầy hấp dẫn nằm trong tuor du lịch "du khảo đồng quê" nổi tiếng của Hải Phòng. Bao bọc quanh An Lão có 3 con sông lớn: sông Lạch Tray, Đa Độ và sông Văn Úc; đã tạo nên một vùng đất phì nhiêu, mầu mỡ với những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Sông Đa Độ uốn khúc chảy quanh Núi Voi tạo nên cảnh đẹp sơn thuỷ hữu tình, nơi đây ẩn chứa nhiều tiềm năng du lịch, nhất là về du lịch sinh thái và vui chơi giải trí. Không chỉ có lợi thế về vẻ đẹp thiên nhiên, An Lão còn là nơi có bề dày truyền thống văn hoá, lịch sử; nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể đa dạng như: Những làn điệu dân ca, hát chèo, ca trù, hát đúm, hát tuồng, những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc và nhiều món ăn đặc trưng mang đậm phong cách miền sông nước. An Lão có nhiều di tích được xếp hạng, trong đó có 3 di tích lịch sử cấp Quốc gia, 36 di tích lịch sử cấp Thành phố. Các khu di tích lịch sử nổi tiếng như: đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn, đền thờ Nữ tướng Lê Chân, đền thờ nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn, chùa Long Hoa, chùa Nứa, chùa Quang Minh, chùa Bụt Mọc…, sẽ là những địa điểm du lịch văn hoá tâm linh thu hút du khách thập phương đến với An Lão.

 

Bên cạnh đó, An Lão có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi với trung tâm thành phố và các tỉnh lân cận: đường ô tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng đoạn qua huyện dài 13,6 Km với nút giao với quốc lộ 10 tại xã Quang Trung là cửa ngõ quan trọng của thành phố Hải Phòng; quốc lộ 10 đoạn qua huyện dài 8,5 Km; Tỉnh lộ 353, 360, 362 và hàng chục tuyến đường phố, đường nông thôn với tổng chiều dài gần 180 Km. Quy hoạch đến năm 2020, An Lão là đô thị vệ tinh của thành phố Hải Phòng.

 

Xác định An Lão có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, văn hoá, tâm linh. Trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền huyện An Lão đã có những chủ trương, giải pháp nhằm phát triển du lịch, coi đây là một trong những khâu đột phá để đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI (nhiệm kỳ 2010- 2015) xác định mục tiêu: "Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09/NQ-TU của Ban thường vụ Thành uỷ về phát triển du lịch Hải Phòng, từng bước xây dựng An Lão thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái, văn hoá tâm linh của thành phố", với chỉ tiêu cụ thể: "Nâng tỷ trọng ngành dịch vụ trong GDP của huyện đến năm 2015 lên 27%, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 19- 20%/ năm". Huyện đã triển khai một số giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý quy hoạch trong lĩnh vực du lịch; về công tác thông tin, quảng bá, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện, trong đó có khu du lịch nghỉ dưỡng Núi Voi và một số khu vực, địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch như: sông Đa Độ, sông Lạch Tray, các điểm du lịch văn hoá tâm linh…

 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn đó là: Công tác quy hoạch phát triển du lịch còn nhiều bất cập, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế; hoạt động du lịch trên địa bàn huyện mới chỉ mang tính thời vụ, doanh thu từ du lịch còn thấp, mới chiếm từ 1 đến 1,5% trong cơ cấu kinh tế chung của toàn huyện. Việc huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch còn yếu; việc quảng bá, xúc tiến, liên doanh, liên kết về phát triển du lịch giữa các vùng còn nhiều hạn chế. Lực lượng lao động phục vụ trong ngành du lịch còn ít với chất lượng lao động còn thấp. Trong khi đó, đầu tư của thành phố cho phát triển du lịch của huyện còn rất khiêm tốn. Dự án khu di tích danh thắng và lịch sử Núi Voi đã được UBND thành phố phê duyệt từ năm 1995 nhưng triển khai quá chậm, đến nay không còn phù hợp. Theo đề nghị của huyện, UBND thành phố đã giao nhiệm vụ quy hoạch chi tiết hạ tầng khu du lịch Núi Voi cho Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch từ năm 2010, song đến nay vẫn chưa được hoàn thiện. Dự án phục dựng, tôn tạo, nâng cấp đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn hiện còn đang dở dang do thiếu vốn; chưa có các dự án khai thác, phát triển du lịch trên các sông Đa Độ, Lạch Tray, các tuyến du khảo đồng quê vốn là thế mạnh của An Lão…

 

Triển khai thực hiện chủ đề hành động năm của thành phố "Đô thị và du lịch", năm du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng- Hải phòng 2013 và Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch. Ban thường vụ Huyện uỷ An Lão đã xây dựng chương trình hành động, đề án "Đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2020", tập trung vào các giải pháp sau:

 

Trước hết, làm tốt công tác điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của huyện đến năm 2020, định hướng 2030, gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch mở rộng thị trấn An Lão, quy hoạch nông thôn mới. Trên cơ sở đó, quy hoạch phát triển du lịch, dịch vụ để khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện. Trong đó, chú trọng quy hoạch tôn tạo nâng cấp các di tích lịch sử văn hoá Núi Voi, đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn, Lê Khắc Cẩn, Tam tiến sỹ, các đền- chùa, di tích lịch sử, văn hoá tại các xã, thị trấn; quy hoạch phát triển các làng nghề truyền thống, các vùng sản xuất tập trung, các trang trại, gia trại… gắn với các tuyến du lịch "Du khảo đồng quê". Tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế, xã hội, nhất là du lịch, dịch vụ của 3 con sông lớn: Đa Độ, Lạch Tray và Văn Úc.

 

Tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo huy động mọi nguồn lực cho phát triển du lịch, dịch vụ. Bên cạnh nguồn ngân sách, chú trọng nguồn lực đầu tư của cánganhfth phần kinh tế, các tổ chức, các cá nhân và nguồn lực trong nhân dân; tạo ra các sản phẩm, hình thức du lịch đa dạng, hấp dẫn, đậm đầ bản sắc vùng quê- văn hoá đồng bằng sông Hồng.

 

Cùng với sự cố gắng phát huy nội lực của địa phương, Thành phố cần quan tâm, đầu tư hạ tầng cho phát triển du lịch của Huyện, tạo ra điểm nhấn như khu danh thắng Núi Voi, đền thờ trạng nguyên Trần Tất Văn, đền thờ Tam tiến sĩ…Đồng thời sớm phê duyệt quy hoạch phát triển ven sông Lạch Tray, khu Núi Voi tạo cơ hội đầu tư các dự án lớn về du lịch.

 

Huyện tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quản lý về du lịch, chú trọng bảo tồn các di tích lịch sử văn hoá, bảo tồn và phats huy các giá trị văn hoá, truyền thống tốt đẹp của các địa phương, nhất là các di sản phi vật thể. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch.

 

Tăng cường quảng bá, xúc tiến, liên doanh, liên kết về phát triển du lịch giữa các vùng, có chính sách hỗ trợ các tuor du lịch về các vùng quê, đây là loại hình du lịch được nhiều khách nước ngoài yêu thích.

 

Hưởng ứng năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng- Hải phòng  2013, Huyện An Lão đã và đang tích cực tổ chức các hoạt động văn hoá, các lễ hội truyền thống, đa dạng hoá các mô hình, loại hình du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để An Lão trở thành một điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước./.

Phạm Văn Mợi       

Bí thư Huyện uỷ An Lão.

Ý kiến bạn đọc (0)